Tạo bước chuyển biến lớn trong ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 08-CTr/TU.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 08-CTr/TU.

Nhiều con số “biết nói”

Tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố (TP) Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, mới đây, Đảng bộ TP Hà Nội tổ chức tổng kết 3 chương trình lớn trong nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020”.

Thông tin về Chương trình, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình cơ bản đã hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu về đích sớm, vượt kế hoạch; hoàn thành 11/15 chỉ tiêu; 4/15 chỉ tiêu ước hoàn thành vào năm 2020; hoàn thành 30/33 đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện.

Trong đó, đáng chú ý, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố cải thiện qua các năm và có sự chuyển biến rõ rệt so với đầu nhiệm kỳ: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019; (tăng 7 bậc so với đầu nhiệm kỳ - năm 2015: xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2015 và nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2019 đạt trên 80% (80,09%) (về đích sớm 2 năm so với mục tiêu giai đoạn).

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, có được kết quả nêu trên là do thành phố đã chỉ đạo các ngành thường xuyên rà soát, kiến nghị đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là những thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đời sống người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, thành phố thực hiện đánh giá tổng cộng 261 TTHC và thông qua phương án đơn giản hóa 183 TTHC, từ đó tiết kiệm 34 tỷ đồng/năm (năm 2017); 61 TTHC, tiết kiệm 43 tỷ đồng/năm (năm 2018); 71 TTHC (năm 2019).

Điểm nhấn khác qua 5 năm thực hiện Chương trình, công tác kiểm tra, giám sát được cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đặc biệt quan tâm với nhiều đổi mới, đã mang lại hiệu quả rõ nét trong siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Theo thống kê từ 2016 - 2019, thành phố đã tiến hành 169 cuộc kiểm tra, trong đó 138 cuộc đột xuất, 31 cuộc theo chỉ đạo. Riêng đầu năm nay, ngay sau nghỉ Tết Canh Tý, Đoàn đã kiểm tra đột xuất hàng chục đơn vị, phòng, ban, bộ phận “một cửa” các đơn vị của thành phố… Chính nhờ siết chặt kỷ cương hành chính hơn đã góp phần giảm số cán bộ công chức vi phạm qua các năm được phát hiện, phải đề xuất kỷ luật từ các cuộc kiểm tra công vụ. Cụ thể, năm 2017, Đoàn phát hiện và đề xuất kỷ luật 34 trường hợp vi phạm; năm 2018 chỉ phát hiện 5 trường hợp thì đề xuất kỷ luật 2 trường hợp, rút kinh nghiệm với 3 trường hợp…

Đồng thời, toàn thành phố triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính thuộc thành phố đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các Sở, UBND các quận, huyện, thị xã đạt tiêu chuẩn Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại theo quy định; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn toàn thành phố trung bình hằng năm đạt 98%. Thành phố cũng áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp được giao cung ứng dịch vụ công như nước sạch, trợ cấp thất nghiệp, dịch vụ việc làm, tang lễ, y tế, giáo dục,…

Cùng với đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Hà Nội đạt 100% - là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các TTHC cung ứng mức độ 3, 4 và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình lựa chọn dịch vụ công của Chính phủ, hướng tới cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn năm 2018 đạt 98,5%, năm 2019 đạt 99,86%...

CCHC tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

Thực hiện Chương trình 08, Thành phố Hà Nội cũng đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 23 Sở và tương đương. Sau sắp xếp giảm 1 cơ quan hành chính ngang Sở, giảm 65 phòng, giảm 29 trưởng phòng, 120 phó trưởng phòng. Thành phố đã sắp xếp và triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Sau sắp xếp, giảm từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị (tương đương 30,2%). Tỷ lệ tinh giản biên chế công chức toàn Thành phố đạt 8,7%, (ước đạt 10,6% vào 31/12/2020), viên chức đạt 5,05% (theo đúng chỉ tiêu của Bộ Nội vụ giao hằng năm). Hoàn thành xây dựng Đề án vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, đánh giá theo vị trí việc làm…

Kết quả này chính là động lực để trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, bình đẳng cho mọi người dân; thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp. Xây dựng mô hình chính quyền đô thị tinh gọn, quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, giải quyết tốt hơn các nhu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp, phát huy mọi tiềm năng của Thủ đô và vị trí dẫn đầu cả nước. Đồng thời, xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập trong bói cảnh tình hình mới...

Để thực hiện được mục tiêu đó, Hà Nội xác định tiếp tục coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và được đặt trong yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền từ thành phố đến cơ sở; quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nội dung CCHC.

Hà Nội tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” theo hướng hiện đại. (Ảnh: TA)

Hà Nội tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” theo hướng hiện đại. (Ảnh: TA)

Theo đó, thành phố Hà Nội xác định CCHC phải được tiến hành đồng bộ, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Thủ đô và gắn bó chặt chẽ với việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Chính quyền đô thị tinh gọn, quản trị hiện đại và thành phố thông minh.

Thành phố sẽ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; thực hiện rà soát, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các TTHC, trọng tâm là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp…

Đồng thời, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm thực hiện thành công Đề án Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; thực hiện phân cấp mạnh mẽ về quản lý kinh tế-xã hội gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi …

Cùng với đó, Thành phố nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy nhanh tiến độ triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành làm nền tảng cho việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung của Thành phố. Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 bằng nhiều hình thức mới, sáng tạo giúp người dân dễ dàng sử dụng và tiếp cận, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến…

Chỉ đạo về vấn đề này, tại Hội nghị tổng kết chương trình 08, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đề nghị các cấp, các ngành tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” theo hướng hiện đại; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; đổi mới công tác tuyển dụng; triển khai kế hoạch thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý; tiếp tục triển khai công tác đánh giá tháng, phân loại, khen thưởng, kỷ luật theo các tiêu chí cụ thể, gắn với chất lượng, hiệu quả công việc và là cơ sở để xem xét thu nhập tăng thêm…/.

Phản hồi

Các tin khác