Áp lực cạnh tranh từ hội nhập quốc tế
Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) nhận định, trong thời gian tới, tình hình thế giới còn nhiều diễn biến khó lường. Trong đó, căng thẳng chính trị và thương mại giữa các nước lớn vẫn diễn ra phức tạp. Tuy vậy, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là xu hướng chủ đạo và diễn ra mạnh mẽ. Khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học tiếp tục phát triển mạnh mẽ cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được đánh giá sẽ đem lại nhiều thay đổi trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Nhiều giống mới, vật tư mới, công nghệ nuôi trồng, bảo quản và chế biến mới giúp làm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu tác động ngày càng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, nông thôn, đe dọa làm giảm năng suất cây trồng, gia tăng biến động thị trường nông sản quốc tế. Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước vẫn là thách thức lớn với nhân loại. Dịch bệnh xuyên biên giới có xu hướng gia tăng việc xâm nhiễm và gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản.
Ở trong nước, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là những hạn chế, yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ đã từng bước được khắc phục từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu cao của sản xuất hàng hóa lớn, cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt.
Đáng chú ý, công nghiệp hóa và đô thị hóa tiếp tục phát triển đòi hỏi thêm không gian, lương thực, nước sạch và cạnh tranh các nguồn lực tự nhiên, đặc biệt là đất và nước vốn đang dành cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ hội nhập quốc tế, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn.
Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu và dám nghĩ, dám làm
Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Bộ NNPTNT đề ra phương hướng: Phát huy những thuận lợi cơ bản để tham gia lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ngành NNPTNT, với quyết tâm phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
Cụ thể, thực hiện tốt các định hướng chiến lược của ngành trong giai đoạn 2020-2025, gồm: Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm chủ lực địa phương theo chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đồng thời, khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm.
Đảng bộ Bộ NNPTNT đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,8-3,2%/năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 50 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%; có 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Độ che phủ rừng duy trì ổn định 42%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 95%.
Hướng tới các mục tiêu, Đảng bộ Bộ NNPTNT cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ tập trung lãnh đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên của Bộ phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm nêu gương; lao động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành. Đảng ủy Bộ tiếp tục phối hợp tốt với Ban Cán sự Đảng bộ trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới.
Đi cùng với giải pháp trên, Đảng bộ Bộ NNPTNT xác định cần nâng cao năng lực dự báo, thích ứng với thị trường, tranh thủ lợi thế mang lại từ các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, phát triển thị trường, nhất là các thị trường truyền thống và quy mô lớn. Có chiến lược phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng tăng nhanh giá trị gia tăng. Xây dựng được thương hiệu nông sản Việt Nam chất lượng cao, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Thứ nữa, cần phát triển công nghiệp chế biến gắn liền với ứng dụng công nghệ cao, thông minh, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Mặt khác, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở các cấp và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở những địa phương có điều kiện thuận lợi. Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; ưu tiên thực hiện tiêu chí về thu nhập, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân./.
BT