Ngành Ngân hàng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030

Ngành ngân hàng luôn dẫn đầu các bộ, ngành về cải cách hành chính trong nhiều năm qua. (Ảnh: M.P)

5 năm liền đứng đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính

Đánh giá kết quả trong 10 năm thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 của ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, CCHC đã tạo sự chuyển biến vượt bậc trong toàn ngành Ngân hàng, cả về nhận thức, hành động và đã đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước.

Với nhận thức về vị thế và vai trò trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng xác định cải cách là xu hướng tất yếu khách quan để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc duy trì trong điều hành kinh tế vĩ mô và cung ứng vốn, các dịch vụ tiền tệ, thanh toán cho nền kinh tế cũng như nhanh chóng hội nhập và phát triển.

Thời gian qua, NHNN đã lựa chọn những mô hình cải cách mới nhất của hoạt động ngân hàng trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, hoạch định lộ trình áp dụng rõ đến từng năm và thường xuyên bổ sung các nhiệm vụ cải cách mới với mục tiêu cao hơn. CCHC đã đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.

Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần trong Top 3 và liên tiếp 5 năm gần đây xếp vị trí dẫn đầu xếp hạng chỉ số CCHC (PAR Index) của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ trong số các Bộ, cơ quan Trung ương.

CCHC ngành Ngân hàng đã góp phần đưa NHNN trở thành đơn vị dẫn đầu Chỉ số công khai ngân sách năm 2019 và tài liệu Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 trong tất cả các bộ, cơ quan Trung ương.

Trong 10 năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận và giải quyết hơn 20.000 hồ sơ TTHC, gần 200 thủ tục đã được đơn giản hóa, bãi bỏ, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch hành chính với Ngân hàng Nhà nước. Kết quả khảo sát sự hài lòng của tổ chức/cá nhân về kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho thấy chỉ số hài lòng hàng năm đều đạt trên 98%. Theo báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã tăng 7 bậc so với năm trước và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất. Chỉ số này thể hiện sự quyết tâm của NHNN trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ và vay vốn công bằng, minh bạch.

Theo đó, CCHC đã tạo sự chuyển biến vượt bậc trong toàn ngành Ngân hàng, cả về nhận thức, hành động và đã đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước.

Góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam

Trong 10 năm qua, ngành Ngân hàng không chỉ đạt được những kết quả tích cực trên 6 lĩnh vực CCHC nhà nước mà còn tích cực thực hiện CCHC gắn với nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh trong ngành Ngân hàng. Theo đó, NHNN đã ban hành Quyết định số 1355/QĐ-NHNN ngày 28/6/2016 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Đồng thời, định kỳ hàng năm, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết số 01, 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, NHNN cũng kịp thời ban hành các kế hoạch để cụ thể hóa và bổ sung thêm.

Thực hiện các kế hoạch hành động của NHNN, hệ thống các TCTD đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp để đổi mới công tác quản trị, điều hành, chuyển đổi mô hình tổ chức, thu gọn các bộ phận trung gian hướng tới mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm; tập trung tối đa nguồn lực nhân sự cho bộ phận kinh doanh, giảm thiểu chi phí hoạt động. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm phi tín dụng điện tử có khả năng giao dịch thông qua các phương tiện điện tử, an toàn, bảo mật cao. Đặc biệt, các TCTD đã có nhiều cải tiến, đổi mới quy trình cho vay để đơn giản hóa thủ tục cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; cải tiến các quy trình nội bộ, loại bỏ các thủ tục, giấy tờ trùng thừa, tối ưu hóa thời gian xử lý công việc nội bộ. Công khai trên trang tin điện tử ngân hàng toàn bộ các quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ, biểu phí, lãi suất. Nhiều TCTD đã tổ chức rà soát tổng thể mức phí dịch vụ, xây dựng lộ trình giảm phí tương ứng với giảm chi phí hoạt động và ứng dụng CNTT; thiết lập và vận hành có hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ và tự giám sát nâng cao chất lượng dịch vụ; hoàn thiện cơ chế chăm sóc, hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng...

Ngoài ra, nhiều TCTD đã có những định hướng cụ thể gắn sự phát triển của ngân hàng với kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần cải thiện môi trường xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thực hiện công tác an sinh xã hội, đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai dự án xanh, dự án bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng... Đặc biệt, trong năm 2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các TCTD đã và đang triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để khắc phục hậu quả tác động của dịch COVID-19. Bằng nguồn vốn huy động và nguồn lực tài chính, các TCTD đã hoãn, giãn các khoản nợ vay gốc và lãi đến hạn, tiếp tục cho vay mới duy trì sản xuất, cắt giảm lợi nhuận và chi phí nghiệp vụ để có điều kiện giảm lãi suất, giảm phí để hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp trong vay vốn kể cả nợ cũ và vay mới.

Lãnh đạo NHNN trao tặng Bằng khen cho các tập thể xuất sắc trong công tác CCHC ngành Ngân hàng trong 10 năm qua. (Ảnh: M.P)

Tiếp tục triển khai có hiệu quả cải cách hành chính trong giai đoạn mới

Định hướng giai đoạn 2021-2030, NHNN sẽ tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả các lĩnh vực CCHC nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong những năm tới, Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục coi công tác CCHC, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai kinh tế số và triển khai Chính phủ điện tử là một trong các nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của đất nước. Căn cứ vào chủ trương, định hướng đó, NHNN đã xác định các nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, ngành Ngân hàng sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện tốt phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.

Để tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo Văn phòng và các đơn vị đầu mối của NHNN trong 6 lĩnh vực CCHC nghiêm túc quán triệt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và trên cơ sở các Chương trình, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về công tác CCHC nhà nước, các nhiệm vụ NHNN đã đặt ra trong thời gian tới để tham mưu, đề xuất với Ban Lãnh đạo NHNN cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn (2021 - 2025; 2025 - 2030) và từng năm. Trên cơ sở đó, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD xây dựng các giải pháp, chỉ tiêu cụ thể và tổ chức triển khai có kết quả mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho từng giai đoạn và từng năm; thường xuyên rà soát, tổng hợp và đánh giá tình hình thực hiện để kịp thời báo cáo Ban Lãnh đạo NHNN, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế phát sinh.

Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trong Ngành phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toán thể cán bộ, người lao động trong đơn vị mình về kết quả CCHC của ngành Ngân hàng trong 10 năm qua và các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để khích lệ, động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, người lao động đối với công tác CCHC của đơn vị và của Ngành.

Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch từng giai đoạn và từng năm của Ngành, thủ trưởng các đơn vị cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm hoạt động của đơn vị mình và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, định kỳ báo cáo, phản ánh về NHNN (qua các đơn vị đầu mối) về kết quả thực hiện cũng như các khó khăn, vướng mắc phát sinh và kiến nghị, đề xuất để kịp thời tổng hợp, tháo gỡ, xử lý, góp phần cùng toàn Ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ CCHC trong giai đoạn tiếp theo.

Với những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua và sự quyết tâm, nỗ lực của các đơn vị trong thời gian tới lãnh đạo ngành ngân hàng khẳng định sẽ tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng và có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng với vị thế của một Bộ, ngành luôn dẫn đầu trong công tác CCHC của Chính phủ, góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững hơn; giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn với dịch vụ ngân hàng và tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả CCHC cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới./.

Phản hồi

Các tin khác