Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Trong nhiệm kỳ vừa qua lĩnh vực HHVN đã đa dạng hóa đầu tư phát triển hạ tầng hàng hải.

Nâng cao năng lực lãnh đạo

Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Lãnh đạo Đảng ủy Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) cho biết, ngay khi Nghị quyết được ban hành, Đảng ủy Cục đã xác định rõ vai trò của mình trong việc thực hiện Nghị quyết.

Với tinh thần “Phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, tập trung mọi nguồn lực, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về Hàng hải, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, điều kiện và đặc điểm tình hình của mình, Đảng ủy Cục Hàng hải Việt Nam đã xây dựng Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ Cục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chương trình hành động đã được quán triệt chi tiết đến từng Đảng bộ, Chi bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong Đảng bộ Cục HHVN.

Chương trình hành động đã tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chính. Đầu tiên là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững kinh tế biển. Tiếp đến là hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển kinh tế biển.

Đồng thời tăng cường năng lực và hiệu quả đầu tư xây dựng và quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải. Trong đó, lĩnh vực HHVN đã đa dạng hóa đầu tư phát triển hạ tầng hàng hải từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Nguồn vốn ngân sách tập trung cho hạ tầng các công trình công cộng và các công trình hạ tầng kinh tế phát triển ngành hàng hải quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội vùng và đất nước, nguồn vốn xã hội hóa ngoài ngân sách sẽ được đầu tư đối với những kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng biển,...

Trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, Cục HHVN đã tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học vào công tác quản lý và thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ hiện đại, tiên tiến, tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Cục đang tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4.

Nhiều thành tựu

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Cục cũng chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hàng hải. Đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải; mở rộng quan hệ đối ngoại; huy động, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực khai thác cảng biển, vận tải biển, logistic, công nghiệp tàu thủy.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Đảng ủy Cục và Ban lãnh đạo Cục đã nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Nổi bật trong đó, về bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, Cục đã tiếp tục triển khai nội dung các đề án, quy hoạch về an toàn, an ninh hàng hải đã được phê duyệt; Lập Dự án xây dựng và xuất bản hải đồ vùng nước cảng biển và luồng hàng hải; Xây dựng, hiện đại hóa hệ thống điều hành giao thông tàu thuyền (VTS); Đầu tự các đèn biển trên quần đảo Trường Sa;...; Nghiên cứu, đổi mới mô hình tổ chức của công tác bảo đảm an toàn hàng hải, hoa tiêu hàng hải.

Đảng bộ Cục HHVN luôn phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, tập trung mọi nguồn lực, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về Hàng hải, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. 

Về mở rộng hợp tác đối ngoại, trong nhiệm kỳ qua, Cục đã xúc tiến đầu tư nước ngoài để xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển, phát triển dịch vụ hàng hải; tham dự thường xuyên, sâu rộng vào các cuộc họp, hội nghị, diễn đàn hàng hải của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) và các tổ chức quốc tế liên quan,... để tăng cường hiện diện của Việt Nam và nắm bắt những vấn đề liên quan đến ngành Hàng hải nhằm triển khai tốt hơn các Công ước của IMO tại Việt Nam; Chủ động liên lạc, tạo lập quan hệ với các tổ chức, hiệp hội ngành nghề để tìm kiếm nguồn tài trợ và hợp tác kỹ thuật; Mở rộng đa phương hóa, đa dạng hóa với các nước trên thế giới; Đàm phán, đề xuất ký kết các hiệp định, thỏa thuận song phương, đa phương với các nước.

Trong việc nâng cao hiệu quả quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, Cục đã xây dựng kế hoạch đầu tư và các giải pháp nhằm khai thác tối đa hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải hiện có; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình cơ quan quản lý cảng trên cơ sở kết hợp giữa mô hình quản lý cảng của các nước tiên tiến trên thế giới và điều kiện thực tế của Việt Nam; tổ chức thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải nhằm bảo đảm chất lượng công trình, khắc phục kịp thời các hư hỏng, sự cố tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho hoạt động hàng hải;…

Đặc biệt là tổ chức thực hiện tổng hòa các giải pháp: Tổng hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về cảng biển để phục vụ quản lý khai thác cảng biển và hướng dẫn tàu thuyền vào, rời, hoạt động tại cảng biển; thực hiện các giải pháp đảm bảo chống ùn tắc hàng hóa tại cảng biển; thường xuyên kiểm tra, giám sát các loại giá, phí tại cảng biển; kiến nghị, đề xuất áp dụng các biện pháp kiểm soát giá trần, giá sàn tại các cảng biển trong trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm ổn định làm lành mạnh thị trường.

Về tái cơ cấu ngành vận tải biển, Đảng bộ Cục đã xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dùng và tàu trọng tải lớn; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách: Hỗ trợ nhằm nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của Việt Nam; hỗ trợ đầu tư và đầu, cho vay tín dụng ưu đãi trong mua sắm, đóng mới tàu biển; Tiến hành các phương án công bố các tuyến vận tải ven biển khu vực miền Trung, miền Nam; nghiên cứu mở các tuyến hành khách ven bờ tới các đảo và giữa các đảo bằng tàu biển; lập đề án quản lý đội tàu dưới công ước để bảo đảm kết nối với các nước trong khu vực ASEAN.

Cùng với đó là tiến hành các giải pháp nhằm đảm bảo tăng cường hiệu quả kết nối các phương thức vận tải: Điều chỉnh quy hoạch kết nối các công trình kết cấu hạ tầng đầu mối; Ban hành các Thông tư về tổ chức và quản lý các dịch vụ hỗ trợ kết nối các phương thức nhằm xây dựng và quản lý hoạt động của các sàn giao dịch vận tải hàng hóa và các hoạt động tích hợp.

Phát triển lên tầm cao mới

Xác định phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics là một “mũi nhọn”, trong nhiệm kỳ qua, Cục đã hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của dịch vụ logistics; các cơ chế, chính sách về tài chính, đất đai... đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ logistics; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển để khuyến khích đầu tư và quản lý có hiệu quả các trung tâm phân phối hàng hóa để phát triển dịch vụ logistics; triển khai hệ thống dữ liệu điện tử (EDI) và hệ thống giao dịch điện tử tại cảng biển; cải cách hành chính và minh bạch trong các dịch vụ công; cơ cấu lại các doanh nghiệp logistics theo hướng giảm về số lượng, tăng cường về chất lượng dịch vụ.

Đảng bộ Cục cũng chú trọng công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải; mở rộng quan hệ đối ngoại.

Cục cũng tiếp tục tái cơ cấu ngành Công nghiệp tàu thủy. Trong đó, ưu tiên sắp xếp lại các nhà máy đóng và sửa chữa tàu phù hợp với các Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực tàu thủy; nghiên cứu, lựa chọn đối tác chiến lược cho ngành công nghiệp tàu thủy; đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành công nghiệp tàu thủy; đẩy mạnh đổi mới công nghệ đóng mới và sửa chữa tàu;… Cục đã xây dựng cơ chế, chính sách: Về vốn, thuế phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp tàu thủy theo quy hoạch; tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đóng mới và sửa chữa tàu; nhập khẩu vật tư, thiết bị của các nhà máy đóng tàu xuất khẩu; đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp tàu thủy;…

Trước bối cảnh đầy thách thức hiện nay khi tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, Cục định hướng tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải. Trong đó, tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính Nhà nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa nghiệp vụ quản lý nhà nước; tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước nhằm thực hiện hiệu quả các yêu cầu của Nghị quyết số 36-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững kinh tế biển;…

Phản hồi

Các tin khác