Quyết tâm đưa tăng trưởng GDP 2021 lên 6,5%
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh: HNV)

Năm 2020 vượt khó trong dịch bệnh

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, năm 2020, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 với tốc độ lây lan rất nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu. Đại dịch đã đẩy kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kế từ đại suy thoái 1929-1933, gây ra khủng hoảng nghiêm trọng về việc làm, thất nghiệp, an sinh xã hội và tác động đến trật tự kinh tế, chính trị, xã hội.

Thêm vào đó, tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, đối tác lớn và xu hướng bảo hộ, xung đột thương mại liên tục gia tăng. Bối cảnh đó đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế đất nước trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội.

Hệ thống đường điện 500kV đã góp phần hiệu quả vào sự phát triển kinh tế đất nước trong suốt thời gian qua (Ảnh: HNV)

Hệ thống đường điện 500kV đã góp phần hiệu quả vào sự phát triển kinh tế đất nước trong suốt thời gian qua (Ảnh: HNV)

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Kết quả, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2020 ước đạt 2,91% đưa Việt Nam trở thành nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất đã giảm về mức thấp đồng thời tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định và thanh khoản được bảo đảm, dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay, chỉ số giá tiêu dùng cả năm bình quân tăng 3,23% (dưới mục tiêu 4%). Ngoài ra, các nhiệm vụ chi cơ bản được bảo đảm, nhất là chi cho các nhiệm vụ chính trị quan trọng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, để có được kết quả trên, thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua, nhất là trong ứng phó với đại dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ.

Điều này cũng cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm tính chủ động, quyết liệt, kịp thời, linh hoạt và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, ngành, cơ quan chức năng trong triển khai thực hiện. Kết quả trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Năm 2021 - khởi đầu cho phát triển kinh tế trung và dài hạn

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Việt Nam bước vào năm 2021 - khởi đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, vừa phải hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2021, vừa làm tốt công tác chuẩn bị và sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn.

Do chỉ đạo đúng đắn của Đảng và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đã bước đầu kiểm soát dịch COVID-19 và đạt mức tăng trưởng 2,91% của cả năm 2020 (Ảnh: HNV)

Do chỉ đạo đúng đắn của Đảng và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đã bước đầu kiểm soát dịch COVID-19 và đạt mức tăng trưởng 2,91% của cả năm 2020 (Ảnh: HNV)

Nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2025 có khả năng chậm hơn giai đoạn trước. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới và làm đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thay thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới.

Trong nước, bên cạnh những mặt đạt được, trong giai đoạn tới nền kinh tế cũng sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và rủi ro tiềm ẩn, như nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu xa hơn về kinh tế. Bên cạnh đó, độ mở của nền kinh tế lớn thì các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới cũng nhanh và mạnh hơn. Trong khi, những khó khăn, yếu kém nội tại của nền kinh tế vẫn chậm được khắc phục đồng thời năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn hạn chế và các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực... để đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp so với yêu cầu.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, cũng năm 2021, Nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, những chỉ tiêu này xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực. Những điểm thuận lợi có thể nhận thấy trên ba trụ cột sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và đầu tư. Cụ thể, khu vực sản xuất kinh doanh cho thấy rõ đà phục hồi trong lĩnh vực công nghiệp đã tăng trở lại trên 10%. Lĩnh vực nông nghiệp đi đúng hướng, mặc dù về sản lượng giảm so với năm ngoái song giá trị tăng lên. Năm nay, lĩnh vực dịch vụ vẫn còn rất khó khăn, song các mảng dịch vụ công nghệ số, tài chính, ngân hàng sẽ có sự tăng trưởng lớn, đây sẽ là những cái yếu tố hỗ trợ hồi phục.

Bên cạnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP năm 2021 lên mức 6,5% và điều này cần có một quyết tâm chính trị cao.

Về trung hạn, kế hoạch kinh tế đề ra GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7%, theo đó GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700USD- 5.000USD. Bên cạnh đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP sẽ trên 25%; đồng thời kinh tế số đạt khoảng 20% GDP./.

Phản hồi

Các tin khác