Sân khấu Việt Nam chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Trước thềm Đại hội, Nhà hát Kịch Việt Nam đã tổ chức công diễn vở “Ðêm trắng” của tác giả Lưu Quang Hà, do NSƯT Xuân Bắc đạo diễn. Ðây là vở diễn từng hai lần được nhà hát dàn dựng với những thành công vang dội. Vở diễn lần này có nhiều đổi mới, phù hợp tư duy sân khấu hiện đại và tính thời sự.

Dựa trên một câu chuyện có thật trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cách đây đã hơn 70 năm, nhưng vở "Ðêm trắng" vẫn mang đậm tính thời sự, thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vấn đề rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên, xây dựng quân đội cách mạng và cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham ô, lãng phí. Vở diễn đã khắc họa thành công hình ảnh vị lãnh tụ bình dị, gần gũi, thân quen, quyết liệt với cái xấu, cái tiêu cực, nhưng cũng đầy tính nhân văn và một tầm nhìn xa mang tính toàn cục trong công tác cán bộ.

Cảnh trong vở "Đêm trắng" của Nhà hát Kịch Việt Nam. (Ảnh: NHKVN)

Nằm trong đợt biểu diễn chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã giới thiệu tới khán giả Thủ đô vở cải lương “Bão ngầm” tại Rạp Kim Mã, Hà Nội.

“Bão ngầm” là vở diễn về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân và tác phẩm đã từng giành được Huy chương Bạc tại Liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân năm 2020. Vở diễn được dàn dựng theo tiểu thuyết cùng tên của Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu; nhà văn Chu Lai chuyển thể kịch bản và được soạn giả Ngọc Chi chuyển thể cải lương.

 “Bão ngầm” là câu chuyện xoay quanh tổ công tác đặc biệt được giao nhiệm vụ theo dõi, điều tra một đường dây buôn bán ma túy cộm cán. Những người được giao nhiệm vụ tham gia chuyên án này luôn phải đối diện với những hiểm nguy về tính mạng và cả những cám dỗ vật chất.

“Bão ngầm” cũng phác họa số ít những cán bộ công an nhưng bị tha hóa biến chất phản bội lại lý tưởng, phản bội đồng đội mình như: phó trưởng phòng cảnh sát phòng chống ma túy Tuất. Và trong vở kịch cũng có cả những người cán bộ đã từng giữ những vị trí trọng trách nhưng vì lòng tham, vì đồng tiền mà họ đã sa ngã mà nhân vật phó chủ tịch tỉnh trong vở diễn là một minh chứng rõ nét.

Có thể nói “Bão ngầm” nói về lực lượng công an nhưng không phải chỉ là những chiến công mà còn đề cập đến góc nhìn về nhân cách của con người, những điều ở tận sâu thẳm trong trái tim và tâm hồn của con người mà chúng ta không thể nhìn thấy được. Và ở đó, những người chiến sĩ công an đã sống với sự giằng xé, niềm vui, nỗi đau, khó khăn, hạnh phúc của một con người bình thường trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ khó khăn của nghề, đó thực sự là những cơn “bão ngầm” đúng như tên gọi của tác phẩm.

Với các đề tài về đấu tranh phòng, chống tội phạm, về cảnh sát hình sự, điện ảnh, kịch nói sẽ dễ khai thác hơn các loại hình kịch hát dân tộc, trong đó có cải lương. Tuy nhiên với “Bão ngầm”, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai đã đưa một câu chuyện về người chiến sĩ công an lên sân khấu cải lương và tạo nên một tác phẩm trữ tình, bay bổng, không kém phần lãng mạn.

Là công trình chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vở chèo “Nguyễn Văn Cừ - Tuổi trẻ chí lớn” (tác giả Lê Thế Song, đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Tự Long) của Nhà hát Chèo quân đội đã xây dựng hình tượng người lãnh đạo tiêu biểu của cách mạng Việt Nam. Vở diễn vừa ra mắt đã gây ấn tượng với khán giả khi khắc họa sinh động, chân thật hình ảnh vị Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta trên sân khấu thông qua những làn điệu chèo, quan họ truyền thống uyển chuyển, nhuần nhị.

Trong khi đó, Nhà hát Chèo Việt Nam đã công diễn vở "Giai điệu Tổ quốc". Tác phẩm từng đoạt giải thưởng của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh sinh động cuộc sống của các tầng lớp nhân dân lao động, những con người bình dị nhưng luôn xác định lý tưởng sống là chung tay xây dựng mảnh đất nơi mình sinh ra. Vở diễn chuyển tải giá trị nhân văn sâu sắc, mang lại những cảm xúc đẹp cho khán giả trong đêm diễn.

Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: HT)

Hướng về ngày hội lớn của đất nước, Nhà hát Múa rối Việt Nam dàn dựng vở múa rối “Trăng đất Việt” (tác giả và đạo diễn: NSND Nguyễn Tiến Dũng). Đây là thành quả của sự phối hợp giữa Đoàn Nghệ thuật thể nghiệm và Đoàn Nhạc của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Có sự kết hợp giữa các loại hình rối nước, rối cạn, âm nhạc dân tộc và đặc trưng văn hóa của từng vùng miền, trải dài từ Bắc tới Nam, tác phẩm mang đến cho khán giả những trải nghiệm đầy mới mẻ, hấp dẫn.

Nằm trong kế hoạch tổ chức các chương trình mừng Đảng, mừng Xuân, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã thực hiện chương trình “Tự hào Việt Nam” (chỉ đạo nghệ thuật: NSND Tạ Duy Ánh; kịch bản và đạo diễn: NSND Tống Toàn Thắng). Đây là một chương trình nghệ thuật chất lượng, hấp dẫn, kết hợp rất nhiều thể loại xiếc thú ngộ nghĩnh, đáng yêu tham gia. Ngay màn mở đầu với tên gọi “Sen Rồng” đã thể hiện sức mạnh hóa rồng của đất nước, kết hợp với hình tượng hoa sen được nghệ thuật xiếc “biến hóa” hấp dẫn, đưa đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc. Chương trình có nhiều tiết mục hấp dẫn nối tiếp, đan xen như “Hào khí Việt”, “Ngày hội vùng cao” mang màu sắc văn hóa truyền thống của dân tộc trên khắp các vùng miền Tổ quốc. Màn kết “Việt Nam ơi” với những giai điệu hào hùng cùng trang phục biểu diễn mang màu cờ Tổ quốc mang đến những cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả… Theo dự kiến, chương trình sẽ được công diễn vào ngày 3/2 tại Rạp Xiếc Trung ương, 67-69 Trần Nhân Tông, Hà Nội.

Cùng với đó, Nhà hát Tuổi trẻ có chương trình ca múa nhạc mang tên “Đất nước trọn niềm vui". Chương trình gồm các nhạc phẩm nổi tiếng gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người Việt qua những trang sử hào hùng đấu tranh giữ nước của dân tộc do các nghệ sỹ của Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn. Chương trình dự kiến công diễn tại Rạp Tuổi trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm vào tối 31/1.

Có thể thấy rằng, sân khấu Việt Nam, với nhiều nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật đặc sắc, giàu ý nghĩa đã khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tạo không khí vui tươi, phấn khởi hướng về sự kiện chính trị trọng đại của đất nước./.

Phản hồi

Các tin khác