Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.
PV: Trước hết, xin cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhận lời tham gia phỏng vấn! Thưa đồng chí, Đại hội lần này có nhiệm vụ kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2020-2025. Là người đứng đầu Đảng bộ, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đề ra 15 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 19 chỉ tiêu thành phần. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã có 19/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra (trong đó có 14/19 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức),
Đáng chú ý là, mặc dù kinh tế thế giới suy giảm, việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, song tính chung cho 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân vẫn đạt 11,1%/năm, vượt kế hoạch (mục tiêu đề ra là tăng 10%/năm).
Khu vực công nghiêp - xây dựng có bước tăng bứt phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Thái Nguyên luôn nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành của cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với trên 90 dự án. Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tiếp tục phát triển, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới bình quân mỗi năm khoảng 350 doanh nghiệp. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 đạt 238 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX đề ra. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 6.800 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 87.000 tỷ đồng, trong đó có 153 dự án FDI có tổng số vốn đăng ký 8,2 tỷ USD. Đây là minh chứng rõ nét nhất về niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường đầu tư cởi mở của Thái Nguyên.
Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực: Công nghiệp và xây dựng 59%, Dịch vụ 31% và Nông, lâm nghiệp, thủy sản 10%. Như vậy, mục tiêu tăng tỷ trọng Công nghiệp và xây dựng trong GRDP của tỉnh lên mức 53% như Nghị quyết Đại hội XIX đề ra đã vượt. Giá trị sản xuất công nghiệp cũng tăng bình quân 16,3%/năm (mục tiêu đề ra là tăng 15%/năm).
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân 4,5%. Thu ngân sách tăng trưởng ở mức cao, đến năm 2020 gấp 2,1 lần năm 2015; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 13,1%/năm, vượt 4,1% chỉ tiêu Nghị quyết. GRDP bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/người/năm; hằng năm tạo việc làm tăng thêm bình quân cho 21.500 lao động, đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%.
Toàn tỉnh hiện có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 3,1%; phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân tích cực hưởng ứng. Chất lượng cuộc sống của đại bộ phận nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải và các đồng chí lãnh đạo tỉnh cắt bằng khánh thành công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2015.
PV: Vâng, thưa đồng chí, những kết quả trên lĩnh vực kinh tế trong nhiệm kỳ vừa qua sẽ tạo động lực thúc đẩy trong nhiệm kỳ tới, vậy còn trong lĩnh vực Xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Chúng tôi luôn khẳng định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển và hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Thái Nguyên đã xuất phát từ thực tiễn để chuyển động đột phá từ đổi mới hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp giữa tăng trưởng kinh tế với đổi mới chính trị. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường thực thi trên các phương diện: Chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đổi mới và hoàn thiện hệ thống công vụ, bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả và liêm chính.
Với phương châm “một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính”, Đề án số 09 và Kế hoạch số 79 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên là minh chứng mạnh mẽ quyết tâm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị được triển khai thực hiện với quyết tâm cao, tích cực, đồng bộ, bước đầu đạt được kết quả tích cực: Giảm 30 đầu mối các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, 99 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 173 cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên.; giảm số biên chế và số người hưởng lương ngân sách nhà nước so với nhiệm kỳ trước theo quy định nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Hoạt động của HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQ và các đoàn thể nhân dân cũng đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở; đồng thời chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đến hết tháng 8/2020, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành công tác tổ chức đại hội đối với 16 đảng bộ cấp trên cơ sở. Sự thành công của tất cả các đại hội không chỉ thể hiện năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức đảng mà còn cho thấy vai trò của các đảng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015-2020. Đây còn là bước khởi động quan trọng, tạo khí thế, động lực cho nhiệm kỳ mới, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, chủ động, bám sát yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, các khâu trong công tác cán bộ được triển khai thực hiện đồng bộ theo kế hoạch, quy trình, quy định, quy chế cụ thể, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đúng quy định của pháp luật. Trong đó, công tác đánh giá cán bộ được thực hiện đa chiều, bám sát vào tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với từng chức danh cán bộ, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ; công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện nền nếp, bảo đảm phương châm “động và mở”; công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện kịp thời, gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, chủ động không để xảy ra tình trạng thiếu hụt cán bộ. Công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ được chú trọng, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chính sách cán bộ được bảo đảm, thực hiện đầy đủ.
Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng có nhiều chuyển biến rõ rệt; chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên. Sự điều hành của chính quyền được đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm; xử lý kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm; giữ nghiêm kỷ luật đảng. Công tác nội chính và phòng chống tham nhũng được tăng cường, có nhiều tiến triển. Công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền đạt nhiều kết quả.
Đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở của tỉnh Thái Nguyên thành công để lại những bài học sâu sắc không chỉ đối với công tác tổ chức đại hội của tỉnh mà còn là bài học cho công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới. Đó là: triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu kép: Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19; phải coi trọng toàn diện các nội dung, tránh tình trạng quá chú trọng vào công tác nhân sự mà không đầu tư thỏa đáng vào việc xây dựng và góp ý các văn kiện; trong công tác nhân sự đại hội, từng cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu cần đề cao trách nhiệm nêu gương, bảo đảm đúng quy định, thật sự công tâm, trong sáng, dân chủ, khách quan.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm Trung tâm Báo chí Đại hội Đảng bộ tỉnh.
PV: Thưa đồng chí, thành công trong nhiệm kỳ vừa qua để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm gì để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết của Đại hội trong nhiệm kỳ tới?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Để có những kết quả cụ thể đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Thái Nguyên rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng. Tăng cường tổng kết thực tiễn. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát.
Hai là, phát huy truyền thống cách mạng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Ba là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, vai trò làm chủ của nhân dân, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, lắng nghe và giải quyết các khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở; tổ chức tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bốn là, tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành gắn với trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong tổ chức thực hiện phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá; kịp thời phát hiện những vướng mắc, phát sinh để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Năm là, tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Cân bằng giữa tăng trưởng và phát triển bền vững; giữa đầu tư trong nước và nước ngoài.
Có thể khẳng định, những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã để lại dấu ấn trên từng lĩnh vực. Đó là kết quả của sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trên địa bàn tỉnh. Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh đoàn kết, trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả và trách nhiệm cao trong quá trình hiện thực hóa nghị quyết và chủ trương, chính sách bằng tư duy mới, cách làm mới; nêu cao ý chí tự lực tự cường, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh thi đua yêu nước… Thái Nguyên sẵn sàng hành trang vững bước trên chặng đường mới của nhiệm kỳ 2020-2025.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra trong 3 ngày (11, 12 và 13/10/2020).
Đại hội được tiến hành theo phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”.
Đại hội xác định chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong các trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”./.
|
Hiền Hòa (thực hiện)