Coi trọng thực hiện đồng bộ việc phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến

Sáng 14/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V và kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành NN&PTNT.

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V và kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành NN&PTNT (Ảnh: BT)

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V và kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành NN&PTNT (Ảnh: BT)

Tham dự Đại hội có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương; Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Công tác đại biểu Quốc hội; Cao Đức Phát – Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Trần Quốc Cường, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; Trung tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng; các đồng chí Thứ trưởng Bộ; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ NN&PTNT qua các thời kỳ và trên 400 đại biểu là đại diện cho các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến của ngành NN&PTTN trong 5 năm qua (2016-2020).

Nông nghiệp khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế đất nước

Thông tin tại Đại hội cho biết, đúng ngày này cách đây 75 năm - ngày 14/11/1945, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã ra Quyết nghị thành lập Bộ Canh nông, tiền thân của Bộ NN&PTNT ngày nay. Kể từ đó, ngày 14/11 hằng năm là “Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Đại hội (Ảnh: BT)

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Đại hội (Ảnh: BT)

Ôn lại lịch sử của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự nghiệp cách mạng của đất nước, của dân tộc, Bộ Canh nông đã nhiều lần cơ cấu lại, trong đó, có tách, nhập Bộ để phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 9 (năm 1995) đã thông qua Nghị quyết về thành lập Bộ NN&PTNT trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Thủy lợi. Tiếp theo, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII (năm 2007) đã ra Nghị quyết hợp nhất Bộ Thủy sản vào Bộ NN&PTNT như ngày nay.

Cho dù dưới hình thức nào, trong suốt 75 năm qua, Bộ NN&PTNT đã luôn nỗ lực, đoàn kết để vượt qua khó khăn, thử thách; chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, các phòng trào thi đua của ngành NN&PTNT luôn được đẩy mạnh suốt 5 năm qua nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để toàn ngành vượt qua những khó khăn, thách thức, duy trì được đà tăng trưởng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước nhà.

Nổi bật trong giai đoạn 2016-2020, ngành NN&PTNT đã triển khai có hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò trụ đỡ, then chốt cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong 5 năm (2016-2020), tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp liên tục đạt từ 2,8-3%.

Nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh, quy mô sản xuất nông sản của nước ta ngày một lớn mạnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Đáng chú ý, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Một số nông sản lớn, chủ lực như: thủy sản, rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ,...đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Hiện nay, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi đến gần 200 thị trường trên thế giới, bao gồm cả những thị trường yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, như: Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc,…đưa giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, trong giai đoạn 2016-2020, ngành NN&PTNT đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng 1 Huân chương Sao Vàng, 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 tập thể được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”, 6 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, 199 tập thể được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ,….

Thực hiện đồng bộ việc phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội (Ảnh: BT)

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội (Ảnh: BT)

Phát biểu tại Đại hội, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã nhiệt liệt biểu dương những thành tích nổi bật của toàn ngành NN&PTNT đạt được trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng nhấn mạnh, đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen. Việc Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, một mặt mở ra thị trường xuất khẩu lớn, đầy tiềm năng cho nông sản nhưng cũng tạo ra nguy cơ mất thị trường nội địa nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, biến đổi khí hậu, thiên tai, các dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 còn kéo dài, tình hình mưa bão tại miền Trung, hạn hán, xâm nhập mặn, suy thoái kinh tế, chiến tranh thương mại,…đã và đang tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Bộ NN&PTNT cần tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước gắn với Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện 4 phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Phó Chủ tịch nước yêu cầu, Bộ NN&PTNT cần thực hiện nghiêm việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, điển hình để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Coi trọng và thực hiện đồng bộ việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến nhằm tạo sự lan tỏa trong ngành cũng như trong toàn xã hội.

Đi cùng với đó, cần triển khai việc thực hiện tốt các định hướng, chiến lược của ngành trong giai đoạn tới. Cụ thể như: tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực: quốc gia, cấp tỉnh và sản phẩm theo chương trình OCOP.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, kể cả giống cây, con mới trong sản xuất để xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an toàn thực phẩm. Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện và xây dựng nông thôn mới nâng cao; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Khuyến khích sự liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với doanh nghiệp, phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại và an toàn.

Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý, Bộ NN&PTNT cần quan tâm đến việc bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng như Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Toàn ngành chung sức xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng

Tại Đại hội, thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã phát động phong trào thi đua ngành NN&PTNT giai đoạn 2020-2025 với nội dung: “Toàn Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chung sức xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh”.

Để triển khai phong trào, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các đơn vị thuộc Bộ cần chủ động phát động, phát triển các phong trào thi đua yêu nước thiết thực hiệu quả; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình thi đua thật cụ thể, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, quan tâm nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, những mô hình sản xuất mới có năng suất chất lượng, hiệu quả nhằm tạo ra động lực mới về tinh thần, khí thế mới, sức mạnh mới - cơ sở để để đảm bảo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành nói riêng và đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hưởng ứng lời phát động Phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025, đồng chí Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch Công đoàn NN&PTNT Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động; vận động  công nhân viên chức lao động trong ngành tích cực hưởng ứng các đợt thi đua cao điểm chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Gắn thi đua với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cán bộ công nhân viên chức lao động trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành,…

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước,  đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huân chương Lao động cho 3 cá nhân có thành tích xuất sắc của ngành NN&PTNT (Ảnh: BT)

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huân chương Lao động cho 3 cá nhân có thành tích xuất sắc của ngành NN&PTNT (Ảnh: BT)

Tại Đại hội, 3 cá nhân của ngành NN&PTNT đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động, 10 tập thể được nhận Cờ thi đua của Chính phủ…./.

 

Phản hồi

Các tin khác