|
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam khóa XX |
Đại hội nhất trí cao với đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; nghiêm túc chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực; xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan và rút ra 05 bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đại hội đã phân tích những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới, nhất là những khó khăn do đại dịch COVID 19 gây ra, đề ra, phương hướng, mục tiêu, và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của nhiệm kỳ 2020 - 2025; phấn đấu “xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ”.
Cùng với đó, Đại hội nhất trí thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; dân chủ thảo luận, lựa chọn và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XX gồm 48 đồng chí; bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 14 đồng chí; bầu đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và 02 đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy; bầu Ủy viên Ủy ban Kiểm tra gồm 8 đồng chí và bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
|
Đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020- 2025 tiến hành biểu quyết |
Đại hội đã bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh gồm 17 đại biểu chính thức, 01 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại hội đã biểu thị quyết tâm to lớn của Đảng bộ; đồng thời cũng là ước mong của nhân dân trong tỉnh phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh; Đại hội đã thông qua 18 chỉ tiêu chủ yếu, 03 khâu đột phá và các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ đề ra, trước hết, trách nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới và mỗi đại biểu ngay sau Đại hội này là hết sức nặng nề. Sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước nói chung và của Hà Nam nói riêng có thành công hay không hơn bao giờ hết phải là kết quả của sự chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, ý Đảng hợp với lòng dân; là kết quả của sự đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; là nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng được giữ vững; kiên định chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cho biết, Hà Nam xác định mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, với công nghiệp là mũi nhọn, trong đó tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến với Hà Nam vẫn là mục tiêu số 1.
|
Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam |
Để đạt được mục tiêu này, Hà Nam đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách các thủ tục hành chính, làm sao để các thủ tục hành chính gọn nhẹ nhất giúp cho doanh nghiệp có môi trường kinh doanh tốt nhất, thuận lợi nhất khi đến với Hà Nam.
“Chúng tôi cũng quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư triển khai dự án với thời gian nhanh nhất. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ như điện, nước, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp nguồn nhân lực tốt nhất cho các doanh nghiệp khi đến với tỉnh”, tân Phó Bí thư Tỉnh ủy nói.
Đồng chí Đặng Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Huyện ủy Bình Lục cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Bình Lục đã nỗ lực đạt nhiều kết quả quan trọng trong đó, huyện đã về đích nông thôn mới trước 1 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội, triển khai được nhiều mô hình mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
|
Đồng chí Đặng Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Huyện ủy Bình Lục |
Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện xác định 3 khâu đột phá tập trung cùng Đảng bộ tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XX trong đó tiếp tục xác định là huyện trọng điểm về nông nghiệp. Trên cơ sở đó, triển khai những vùng nông nghiệp công nghệ cao, mô hình ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, khẳng định nông nghiệp tiếp tục là mũi nhọn của huyện góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho toàn tỉnh và cả nước. Bên cạnh đó, Bình Lục cũng tập trung phát triển công nghiệp triển khai thu hút đầu tư khu công nghiệp 500ha đảm bảo giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, bổ sung vào cơ cấu kinh tế của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội.
Đại hội đã thông qua phương hướng, mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ mới là: Tăng cường đoàn kết, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy những thành tựu đã đạt được, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển văn hóa, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%, tự cân đối ngân sách, GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước; năm 2030 là tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP nằm trong tốp đầu của vùng đồng bằng Bắc Bộ; có điều tiết ngân sách về Trung ương; GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước; năm 2035 phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Xác định 3 khâu đột phá: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hoá nền hành chính, cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nam xác định 18 chỉ tiêu chủ yếu (6 chỉ tiêu lĩnh vực kinh tế; 6 chỉ tiêu lĩnh vực văn hoá - xã hội; 4 chỉ tiêu lĩnh vực đô thị, môi trường, xây dựng nông thôn mới; 01 chỉ tiêu lĩnh vực cải cách hành chính và 01 chỉ tiêu lĩnh vực xây dựng Đảng). Trong đó, một số chỉ tiêu lớn là: tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 10%/năm trở lên; cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Nông, lâm nghiệp - thuỷ sản 6,3%; Công nghiệp - Xây dựng 65,2%; Dịch vụ 28,5%; Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 117 triệu đồng/người; Thu cân đối ngân sách trên địa bàn tăng bình quân trên 10%/năm; đến năm 2025 đạt trên 16.000 tỷ đồng (trong đó: thu nội địa trên 13.500 tỷ đồng), tỷ lệ hộ nghèo giảm 60 - 65% so với năm 2020 (theo tiêu chí mới của Chính phủ).
|