Hà Nội sẽ có cơ chế, chính sách phát triển trục kinh tế phía Nam

 

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Sáng 25/6, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội chủ trì làm việc với Huyện ủy Thường Tín về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và một số vấn đề cử tri quan tâm.

Kết quả chưa tương xứng với tiềm năng

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thường Tín Phùng Văn Quốc cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh dịch COVID-19, huyện gặp nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Phần lớn các chỉ tiêu kinh tế của huyện đều bị suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 875 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện được hơn 1.600 tỷ đồng, đạt 97,17% dự toán thành phố giao, tăng 6,72% so với cùng kỳ năm 2019.

Huyện cũng triển khai hỗ trợ được 20.685 đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 100%); cho vay, giải quyết việc làm phục hồi kinh tế sau đại dịch cho 540 hộ với tổng nguồn vốn 27 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch cho vay). Đến nay, 28/28 xã đã hoàn thành và đang triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao. Thường Tín cũng phấn đấu trong năm nay được công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Về công tác chỉ đạo, tổ chức đại hội đảng các cấp, đến ngày 13/6, toàn bộ 54/54 tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ huyện Thường Tín đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đang được chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo; đã hoàn thành dự thảo lần thứ 4 các văn kiện đại hội; hoàn thành quy trình nhân sự cấp ủy đảm bảo cơ cấu, số dư theo quy định. Dự kiến, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức từ 27-29/7/2020.

Sáu tháng cuối năm 2020, Huyện ủy Thường Tín phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 14,9%, thương mại - dịch vụ tăng 16,2%, nông nghiệp tăng 4,7% so với năm 2019. Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, Huyện ủy Thường Tín nêu 9 nhóm kiến nghị với thành phố. Trong đó, huyện đề nghị thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cầu vượt Dương Trực Nguyên (vượt trực thông  phía trên QL1A cũ, qua đường sắt) trên tuyến tỉnh lộ 427 để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Cùng với đó, đầu tư, cải tạo, mở rộng tuyến QL1A cũ đoạn qua địa bàn huyện để hoàn thiện trục hướng tâm của Thủ đô theo quy hoạch. Huyện kiến nghị thành phố cho phép huyện làm chủ đầu tư 5 dự án đầu tư hạ tầng phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại các xã Minh Cường, Văn Tự, Nhị Khê; thu hút đầu tư 3 dự án khu công nghiệp (Bắc Thường Tín, Phụng Hiệp và HABECO) và 6 dự án văn phòng, dịch vụ thương mại, nhà ở...

Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, Thường Tín là huyện có lợi thế về giao thông và nhiều làng nghề truyền thống. Vấn đề đặt ra là huyện phải quan tâm giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư các dự án khu, cụm công nghiệp để tạo mặt bằng cho sản xuất. Về đầu tư công, hiện huyện vẫn đạt thấp do đó cần tập trung để đẩy mạnh giải ngân. Mặt khác Thường Tín có tỷ lệ đô thị hóa thấp, chỉ chiếm 2,85%. Do đó, trong thời gian tới cùng với các huyện phía Nam Thủ đô, huyện cần tập trung cho công tác quy hoạch để thúc đẩy phát triển. Các đại biểu còn nhấn mạnh đến việc khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, cần phát triển mạnh các vùng trồng rau, hoa, cây cảnh, nhất là chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ. Cùng với đó, huyện cần phát triển các vùng chăn nuôi xa khu dân cư, chống ô nhiễm môi trường để góp phần vào chỉ tiêu tăng trưởng chung cho ngành nông nghiệp của Thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu.

Góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho rằng, trọng tâm nhiệm kỳ tới, huyện cần khai thác, phát huy tốt hơn thế mạnh của 48 làng nghề, bởi không có huyện nào nhiều làng nghề và phong phú, được thị trường chấp nhận như Thường Tín, nhưng vai trò “bà đỡ” của huyện để các làng nghề phát triển thì chưa rõ. Do vậy, trong văn kiện huyện phải nhấn mạnh vấn đề này và sau Đại hội, huyện cần xây dựng Đề án để phát triển làng nghề. Ngoài ra, trong quy hoạch huyện có 22 cụm công nghiệp, do vậy, đột phá trong nhiệm kỳ tới huyện phải đặt mục tiêu phủ kín được 22 cụm công nghiệp này để tạo sự bứt phá cho huyện phát triển...

Cùng quan điểm Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho rằng, Thường Tín có tổng số làng nghề chiếm 1/5 của Hà Nội, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng như sơn mài Hạ Thái, may mặc… Nhưng 6 tháng đầu năm, Thường Tín tăng trưởng âm là điều đáng suy nghĩ. Vì vậy huyện cần tận dụng lợi thế, đặt ra các giải pháp hết sức cụ thể, tính toán lại chỉ tiêu kinh tế để tăng trưởng đúng với tiềm năng và khả năng của huyện, kết hợp phát triển du lịch làng nghề; xây dựng trung tâm dịch vụ thương mại để giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch về thăm quan.

Giải đáp những kiến nghị của huyện Thường Tín, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho rằng những dự án hạ tầng giao thông của huyện phát triển còn chậm nên chưa tạo động lực phát triển. Do vậy, huyện phải năng động hơn, xây dựng quy hoạch giao thông, lập danh mục đầu tư của các dự án trên địa bàn, trên cơ sở đó đề xuất cơ chế về nguồn lực... Cùng với đó, mạnh dạn nghiên cứu, lập và điều chỉnh quy hoạch để sử dụng hiệu quả quỹ đất. Đối với các dự án cụ thể huyện Thường Tín kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng ghi nhận và đề nghị huyện phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành liên quan tổng hợp, đề xuất báo cáo thành phố quyết định đối với từng dự án.

Nhận thức rõ những hạn chế này để mạnh dạn bứt phá

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thông tin, trong quá trình phát triển của thành phố thời gian qua có biểu hiện mất cân đối giữa phía Bắc và phía Nam, trong đó, huyện Thường Tín là huyện cửa ngõ của Thủ đô, diện tích rộng, dân số đông nhưng có nguy cơ trở thành “vùng trũng”. Do đó, qua cuộc làm việc này, lãnh đạo thành phố muốn nắm thông tin về kế hoạch 5 năm tới của huyện, trên cơ sở đó cùng huyện xác định đúng định hướng, mục tiêu và các giải pháp để thúc đẩy Thường Tín phát triển sôi động lên. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, trong 6 tháng đầu năm nay, do tác động của dịch COVID-19, các lĩnh vực kinh tế của huyện bị ảnh hưởng, trong đó một số chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn bình quân của TP. Điều này đòi hỏi huyện phải đi sâu phân tích kỹ, chỉ rõ những nguyên nhân để xây dựng các kịch bản tăng trưởng, đặt mục tiêu phấn đấu cao nhất, giao trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ để quyết tâm thực hiện.


Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Về công tác tổ chức đại hội Đảng bộ huyện, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý huyện tiếp thu, hoàn thiện dự thảo văn kiện, trong đó, cập nhật những chỉ tiêu, mục tiêu chính của dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP, quán triệt phương châm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu và phát huy truyền thống của huyện là đất danh hương, huyện anh hùng. “Báo cáo chính trị cũng phải chỉ rõ những tiềm năng, lợi thế của huyện. Mạnh dạn đưa vào nghị quyết để đại hội thảo luận về sự năng động, chủ động, sáng tạo của huyện để tranh thủ sự giúp đỡ của các sở, ngành TP”- Bí thư Vương Đình Huệ nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng quy mô nền kinh tế của Thường Tín còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp, thu ngân sách tăng chậm và không tương xứng với tăng trưởng kinh tế, do vậy không có nguồn lực để đầu tư phát triển. Ngoài ra, chuyển dịch cơ cấu lao động chưa tương xứng với chuyển dịch kinh tế; việc khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả chưa cao; cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều vấn đề... Đồng chí lưu ý Thường Tín phải nhận thức rõ những hạn chế này để mạnh dạn bứt phá, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá và giải pháp trong nhiệm kỳ tới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội gợi ý, muốn đột phá, phải hoàn thiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cho huyện Thường Tín cùng với quy hoạch vùng huyện, liên huyện. Cụ thể, mở rộng QL1A cũ; nghiên cứu phát triển các đường gom; tận dụng đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để tạo quỹ đất, làm trục phát triển của TP và quốc gia, chứ không đơn thuần là một trục giao thông. Quy hoạch phát triển đô thị Phú Xuyên - Thường Tín phải định hướng là đô thị cửa ngõ phía Nam, ưu tiên đất cho các trường học, bệnh viện... Đồng chí cũng giao các sở, ngành tham mưu với TP để có cơ chế, chính sách phát triển trục kinh tế phía Nam cho sôi động, tương xứng với các trục phát triển khác của TP, đảm bảo sự phát triển đồng đều và không để nơi đây thành “vùng trũng” phát triển.

Cùng với đó, Bí thư Vương Đình Huệ cũng cho rằng huyện cần tập trung phát triển các cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề, vừa thu hút các doanh nghiệp lớn, vừa khuyến khích các doanh nghiệp làng nghề di dời, phát triển sản xuất gắn với phát triển sản phẩm OCOP (mỗi làng nghề một sản phẩm). Thường Tín cũng cần phải có chương trình phát triển đô thị và kinh tế đô thị bởi hiện nay, tỷ lệ đô thị của huyện còn rất thấp.

Khẳng định TP sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư cho Thường Tín và các huyện phía Nam của TP phát triển, Bí thư Vương Đình Huệ thông tin, từ nay đến cuối năm, TP sẽ tập trung hỗ trợ cho huyện các công trình dân sinh cấp bách, nước sạch và vệ sinh môi trường cũng như một số dự án có tính chất động lực cho huyện và cả vùng…/.


Phản hồi

Các tin khác