Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nam Sách lần thứ XXVIII nhiệm kỳ 2020-2025. 

Trong 2 ngày 18-19/6 đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nam Sách lần thứ XXVIII nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và chỉ đạo đại hội.

Tham dự đại hội còn có các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; các đồng chí nguyên Thường trực Huyện ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy qua các thời kỳ và 236 đại biểu đại diện cho trên 6.800 đảng viên trong toàn huyện.

Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, về đích nông thôn mới trước hạn

Theo báo cáo chính trị trình tại đại hội đã đánh giá, nhiệm kỳ qua, với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ huyện Nam Sách đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Nam Sách đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện, giành được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, kết quả nổi bật là huyện đã về đích nông thôn mới trước hạn. Năm 2019, Nam Sách được công nhận là huyện nông thôn mới với tổng nguồn lực huy động được trên 2.000 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 500 tỷ đồng, hiến trên gần 200 nghìn m2 đất để mở rộng đường, làm hạ tầng... Thành tích đó góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 56 triệu đồng. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thuỷ sản năm 2020 ước đạt 170 triệu đồng (vượt mục tiêu 10 triệu đồng).

Đáng chú ý, trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã phát triển được 30.000 m2 nhà màng, nhà lưới sử dụng công nghệ hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Nam Sách đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể cho cây hành. Diện tích nuôi thủy sản được mở rộng, với gần 2.400 lồng cá trên sông, sản lượng đạt 11.300 tấn/năm. Huyện đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh như cà rốt, hành, cá lồng, các sản phẩm nông sản sau chế biến phục vụ xuất khẩu....

Trong phát triển công nghiệp, huyện có gần 500 doanh nghiệp hoạt động, tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Cụm công nghiệp An Đồng được mở rộng lên 50 ha và đã được lấp đầy. Huyện đã hoàn thành quy hoạch xây dựng hai bên đường dẫn cầu Hàn. Các cụm công nghiệp Nam Hồng - Hồng Phong, Thanh Quang - Quốc Tuấn được quy hoạch rộng trên 50 ha; khu công nghiệp An Bình - Quốc Tuấn rộng trên 180 ha...

Ở các lĩnh vực giáo dục - đào tạo tiếp tục được quan tâm. Các xã, thị trấn đầu tư trên 320 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường học; huyện có thêm 15 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng toàn bộ 56 trường học công lập của huyện đều đạt chuẩn. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm. 100% số xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. Các chương trình hỗ trợ giảm nghèo được đẩy mạnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,74% (năm 2015) còn 1,14% (năm 2020).

Trong công tác xây dựng Đảng, huyện Nam Sách đã tập trung thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong 5 năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lựa chọn và chỉ đạo thực hiện hiệu quả 6 công việc đột phá; các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy thực hiện 236 công việc đột phá, tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực. Cùng với đó, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật Đảng, tiếp tục phát triển đảng bộ không ngừng lớn mạnh, với 46 tổ chức cơ sở đảng, trên 6.800 đảng viên. Hằng năm có trên 75% số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên…

Một phần diện mạo huyện Nam Sách (Ảnh: Đức Toàn) 

Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện Nam Sách đã xác định phương hướng và đề ra 16 chỉ tiêu, 3 khâu đột phá, 9 dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2020-2025 và giai đoạn 2025-2030.

3 khâu đột phá là: Huy động tối đa các nguồn lực, nâng cấp, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và phát huy vai trò gương mẫu, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo của người đứng đầu; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong giai đoạn mới.

Theo đó, Nam Sách phấn đấu hằng năm tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản bình quân đạt từ 2%/năm trở lên; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng đạt 13,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt 10,3%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/năm, đến năm 2030 đạt 150 triệu đồng. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đến năm 2025 đạt 230 triệu đồng.

Đến năm 2025, có 10-11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 - 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; định hướng đến năm 2030, huyện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; trước năm 2030 có ít nhất 50% số xã đạt tiêu chí phường, huyện trở thành thị xã. Đến năm 2025, 100% số gia đình sử dụng nước máy; thu gom xử lý 100% rác thải sinh hoạt đô thị, 98% rác thải sinh hoạt nông thôn. Hằng năm, có trên 80% số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trên 90% chính quyền cơ sở, tập thể cơ quan, đơn vị đạt ao động tiên tiến.

Phát triển đồng bộ, hiện đại bứt phá hơn nữa trong 5 - 10 năm tới

Phát biểu chỉ đạo đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển chúc mừng, biểu dương những kết quả trên các lĩnh vực mà Đảng bộ huyện Nam Sách đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Đồng thời, nhất trí với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong báo cáo chính trị trình đại hội.


Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nam Sách, nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt Đại hội

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ trong giai đoạn tới, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu Đảng bộ huyện Nam Sách tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đúng về tiềm năng, lợi thế của huyện Nam Sách so với các địa phương khác trong tỉnh. Xác định rõ Nam Sách đang cần gì và cần làm như thế nào để khai thác, phát huy lợi thế của mình, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, huyện cần tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các cụm công nghiệp; quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối với TP Hải Dương, TP Chí Linh và tỉnh Bắc Ninh, coi đây là điều kiện tiên quyết để Nam Sách bứt phá phát triển nhanh hơn nữa trong 5 - 10 năm tới.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị huyện Nam Sách tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao; công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ Nhân dân; giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII; thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và các quy định về nêu gương trong cán bộ, đảng viên; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và tổ chức; phát huy tính ổn định và đoàn kết, dân chủ trên các lĩnh vực. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng ở chi bộ các thôn, khu dân cư; chú trọng phát triển đảng viên mới trong các doanh nghiệp, khu vực nông thôn. Quan tâm công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tại đại hội, với tinh thần đoàn kết, thông nhất, các đại biểu tham dự đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nam Sách, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 39 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành đã bầu 11 đồng chí vào Ban Thường vụ Huyện ủy; bầu đồng chí Bùi Văn Thăng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy khóa XXVII, Chủ tịch HĐND huyện tiếp tục giữ chức Bí thư Huyện ủy khóa XXVIII. Các đồng chí: Hồ Ngọc Lâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy khóa XXVII, Lê Quang Thụ, Phó Bí thư Huyện ủy khóa XXVII, Chủ tịch UBND huyện tái cử chức danh Phó Bí thư Huyện ủy khóa XXVII./.