Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị Trung ương 8 (tháng 10/2018) sẽ thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Trung ương 9 (tháng 5/2019) sẽ thảo luận Đề cương các văn kiện. Đại hội lần này sẽ định hướng phát triển đất nới năm 2030, năm Đảng tròn 100 tuổi…
|
Tổng Bí thư yêu cầu quyết tâm khắc phục chậm trễ về tiến độ, những hạn chế về chất lượng của một số báo cáo tổng kết thực tiễn
|
Phát biểu tại Kỳ họp thứ tư Hội đồng Lý luận Trung ương, nhiệm kỳ 2016 – 2021, sáng 23/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát, Đại hội XII của Đảng nêu rõ, thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hoá, con người là nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Từ sau Đại hội, bám sát tư tưởng chỉ đạo, những định hướng lớn, những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Trung ương đã ban hành một số nghị quyết quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; về tiếp tục đổi mới, sắp xếp hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Đây là những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp thiết, đáp ứng đúng đòi hỏi của thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo Tổng Bí thư, Hội đồng Lý luận Trung ương là một đầu mối quan trọng, đã khẩn trương, tích cực triển khai nhiều hoạt động phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nhiều đề xuất của các cơ quan tham mưu, tư vấn lý luận chính trị đã được tiếp nhận đưa vào các nghị quyết của Đảng.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng, cần nghiêm túc nhận thức sâu sắc và quyết tâm khắc phục những hạn chế, bất cập đã được nêu trong Báo cáo tổng kết của Hội đồng, nhất là sự chậm trễ về tiến độ, những hạn chế về chất lượng của một số báo cáo tổng kết thực tiễn, nghiên cứu chuyên đề. Nhiều báo cáo chưa giải đáp được kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống.
“Không thể để kéo dài tình trạng còn lạc hậu của lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn. Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn” – Tổng Bí thư nêu yêu cầu.
Về định hướng những vấn đề lý luận cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong thời gian tới, theo người lãnh đạo đứng đầu Đảng, trước hết, cần tập trung nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phục vụ tốt hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nay đến cuối nhiệm kỳ.
Cụ thể, đó là vấn đề nhận thức và giải quyết đúng quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội; vấn đề chế độ sở hữu tài sản; vấn đề tích tụ, tập trung đất đai phục vụ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; vấn đề huy động, phân bố, sử dụng hiệu quả nguồn lực nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững; vấn đề kiểm soát quyền lực... Tổng Bí thư nhấn mạnh, Hội đồng Lý luận Trung ương cần làm đầu mối tập hợp trí tuệ đội ngũ cán bộ lý luận, tích cực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần làm rõ những vấn đề này.
Trong năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương sẽ tổng kết việc thực hiện Chiến lược công tác cán bộ thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và Chiến lược Biển, để tiếp tục hoàn hiện các chủ trương, chính sách lớn. Tổng Bí thư yêu cầu, hoạt động lý luận phải tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị này.
Chần chừ, chậm trễ sẽ ngày càng tụt hậu
Ngoài ra, Hội đồng lý luận trung ương cần khởi động chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Theo Chương trình làm việc toàn khoá, Hội nghị Trung ương 8 (tháng 10-2018) sẽ thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị Trung ương 9 (tháng 5/2019) sẽ thảo luận Đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Đại hội không chỉ xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước trong chặng đường 5 năm 2021 - 2025 mà còn định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước đến năm 2030 - năm Đảng tròn 100 tuổi, và xa hơn, phải đưa ra tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945 - 2045).
“Chúng ta cần chủ động chớp thời cơ để đưa đất nước phát triển nhanh hơn, khắc phục bằng được nguy cơ bị tụt hậu. Những người làm công tác nghiên cứu lý luận cần nhạy bén, năng động tiếp cận, tiếp thu sáng tạo những vấn đề lý luận mới, phân tích, chắt lọc, lựa chọn những giá trị tinh hoa có thể vận dụng phù hợp với điều kiện nước ta; đề xuất các luận cứ khoa học để hoàn thiện các chủ trương, quyết sách của Đảng trước những yêu cầu mới. Chần chừ, chậm trễ sẽ bỏ lỡ thời cơ, sẽ ngày càng tụt hậu; song nóng vội, sao chép giản đơn kinh nghiệm nước ngoài, triển khai ồ ạt theo kiểu phong trào mà không tính đến đầy đủ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước cũng sẽ dẫn đến thất bại” – Tổng Bí thư lưu ý.
Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ nặng nề của năm 2018 và những năm còn lại của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021, Tổng Bí thư yêu cầu Hội đồng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động. Hội đồng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, ban ngành liên quan và một số địa phương đẩy mạnh tổng kết thực tiễn. Chú trọng khảo sát, tổng kết thực tiễn là rất đúng hướng. Vấn đề mấu chốt là cần bảo đảm tính thiết thực, chất lượng, hiệu quả. Khảo sát thực tiễn không chỉ dừng lại ở sao chụp, mô tả bề mặt của thực tiễn, mà phải khám phá tầng sâu của thực tiễn, phát hiện các mâu thuẫn, các xu hướng và nhân tố phát triển mới. Đó là tổng kết thực tiễn ở tầm lý luận, đòi hỏi phải rất chuyên tâm và công phu.
Tổng Bí thư cũng giao nhiệm vụ cho cán bộ làm công tác lý luận, phê bình phải tham gia tích cực, chủ động và có hiệu quả hơn nữa vào việc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, thù địch, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng.
P.Thảo