Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tổ chức hiệu quả lấy ý kiến góp ý văn kiện Đại hội XIII của Đảng

 

123

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TH)

Chú trọng vào xây dựng khối đại đoàn kết, phát huy dân chủ xã hội

Phát biểu tại hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố năm 2020, ngày 8/7, đồng chí Trương Thị Mai Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm. Mặt trận đã nỗ lực, trách nhiệm, sáng tạo, chủ động, có nhiều đổi mới nên đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. “Thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước luôn có vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam, qua đó tăng cường sự đồng thuận xã hội, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” – đồng chí Trương Thị Mai nói.

Nhấn mạnh đến việc ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị MTTQ Việt Nam tiếp tục nỗ lực, đổi mới hoạt động để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2020. Trong đó MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cần tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phục hồi kinh tế; gắn với tổ chức sáng tạo nhiều hoạt động nhằm khẳng định đóng góp của MTTQ và các tổ chức thành viên trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, đảm bảo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”. 

Mặt trận cần tập trung đóng góp ý kiến để hoàn thành thể chế, vì sự đóng góp, phản biện của MTTQ Việt Nam đã trở thành quy trình để ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần đưa tiếng nói, vai trò nhân dân vào xây dựng chính sách pháp luật. Đồng thời làm tốt hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập MTTQ Việt Nam, khẳng định vai trò, vị trí, đóng góp quan trọng của MTTQ với khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng chí Trương Thị Mai đặc biệt lưu ý, MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Dân vận Trung ương làm tốt công tác đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Việc góp ý chú trọng vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cho 5 năm tới đảm bảo sự phát triển bền vững, cuộc sống của người dân tốt hơn, sự đồng thuận xã hội cao hơn.


Các đại biểu trao đổi tại điểm cầu Hà Nội

Các đại biểu trao đổi tại điểm cầu Hà Nội

Trưởng ban Dân vận Trung ương cũng đề nghị MTTQ Việt Nam các cấp cần quan tâm đến việc tổng kết, rút kinh nghiệm các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, trên cơ sở đó có những kiến nghị, đề xuất cụ thể với Bộ Chính trị nhằm phát huy dân chủ trực tiếp của người dân, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu thảo luận làm rõ hơn những kết quả nổi bật, hạn chế yếu kém, bài học kinh nghiệm, những vướng mắc trong tổ chức hoạt động và đề xuất, kiến nghị để công tác mặt trận trong thời gian tới được hiệu quả hơn. Các đại biểu nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gỡ khó cho doanh nghiệp, không để hiện tượng “doanh nghiệp phá sản rồi mới hỗ trợ”…

Bày tỏ sự đồng tình với Nghị quyết về triển khai cuộc vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương thông tin, Mặt trận các cấp TP Hà Nội đã tích cực tuyên truyền vận động người dân tham gia phòng chống dịch COVID-19, vận động nhân dân ủng hộ khắc phục hậu quả ảnh hưởng do đại dịch, triển khai hiệu quả việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ không để xảy ra sai sót, tiêu cực trong chi trả hỗ trợ đến người dân…. Đồng thời đề nghị trong 6 tháng cuối năm, cùng với việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Mặt  trận trong phòng chống dịch cần đẩy mạnh hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Đề cập đến mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ cấp huyện, Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, cho đến thời điểm đại hội, hầu hết các quận, huyện tại TP Hà Nội không tiếp tục thực hiện mô hình đồng thời nữa mà sẽ tách Trưởng ban Dân vận và Chủ tịch MTTQ.

“Chỉ còn 11 đồng chí cấp ủy viên có thể duy trì mô hình đồng thời. Đó cũng là sự khẳng định sự cần thiết, xác định rõ nhiệm vụ của đồng chí Trưởng ban Dân vận, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đồng chí Chủ tịch MTTQ” - bà Nguyễn Lan Hương nói.


Các đại biểu trao đổi tại điểm cầu Hà Nội

Các đại biểu trao đổi tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh:TH)

Đồng tình với Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội về việc MTTQ các cấp cần đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng cũng kiến nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí vận động phòng chống dịch COVID – 19; ban hành cụ thể hơn về chế tài giám sát để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện…

Cùng quan điểm, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam cũng nhấn mạnh đến giải pháp đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc quảng bá hàng Việt tại các cơ sở thờ tự. GHPG Việt Nam cũng kêu gọi các chùa, di tích lịch sử tân trang, đón tiếp bà con nhân dân đến du lịch, đảm bảo sinh hoạt tâm linh, kêu gọi Người Việt Nam đi du lịch ở Việt Nam.

Chia sẻ về vai trò của Mặt trận tham gia giám sát việc chi trả cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu thông tin, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã thành lập 18 đoàn giám sát và 425 đoàn giám sát ở cấp huyện để đảm bảo việc triển khai gói 62.000 tỷ đến đúng đối tượng và không xảy ra sai sót.

Từ thực tế giám sát, bà Tô Thị Bích Châu cho rằng, việc triển khai hỗ trợ đối với các doanh nghiệp hiện chưa rõ ràng, thủ tục hành chính còn rườm rà. Chính vì vậy cần phải gỡ khó và có cơ chế mở để cứu doanh nghiệp, không để hiện tượng “doanh nghiệp phá sản xong mới hỗ trợ”.

Nêu một số bất cập trong triển khai Nghị định 64 của Chính phủ, bà Tô Thị Bích Châu đề nghị Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần kiến nghị với Chính phủ sửa lại một số nội dung trong Nghị định cho phù hợp với thực tế, trong đó chú ý đến việc miễn thuế cho các doanh nghiệp ủng hộ các cơ sở y tế. Lấy ví dụ từ việc doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ các bệnh viện trên địa bàn xe cấp cứu và xe cứu thương nhập khẩu từ nước ngoài, những doanh nghiệp này vẫn phải đóng thuế nhập khẩu trực tiếp và không nhận được chính sách ưu đãi từ Chính phủ.

Đề cập đến việc triển khai mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Hà Văn Hùng cho biết, hiện nay ở một số địa phương, việc triển khai mô hình này có nơi thành công nhưng có những nơi còn gặp nhiều khó khăn bởi nhiệm vụ kiêm nhiệm. Chính vì vậy cần có sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai mô hình này. Và từ việc vận động doanh nghiệp, người dân chung sức, đồng lòng ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông Hùng cho rằng việc huy động quỹ “Vì người nghèo” từ nay đến cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn, nên MTTQ Việt Nam cần có giải pháp trong triển khai vận động quỹ này để thu được kết quả tốt chăm lo cho người nghèo./.

Phản hồi

Các tin khác