|
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TH)
|
Chiều 7/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của Ban Cán sự đảng Chính phủ vào Dự thảo báo cáo chính trị dại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, nhiệm kỳ 20202-2025.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố (TP), Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị về phía Ban Cán sự Đảng Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Đại biểu TP Hà Nội có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng Tiểu ban - Trưởng ban Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và thành viên Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP.
Góp ý để Hà Nội xác định đúng tầm nhìn, nhiệm vụ, giải pháp
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, trong quá trình phát triển Thủ đô, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban cán sự đảng Chính phủ. Sự có mặt của các đồng chí trong Ban Cán sự đảng Chính phủ tại hội nghị trong lúc công việc của Chính phủ còn bộn bề, nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, không chỉ thể hiện sự quan tâm, mà còn là tình cảm, trách nhiệm của Chính phủ dành cho Thủ đô Hà Nội. Đây là sự cổ vũ lớn đối với Nhân dân Thủ đô để tập trung thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch và tiến tới Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Thông tin về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, đến nay tất cả 100% các chi bộ, tổ chức đảng trực thuộc đều tổ chức thành công Đại hội và đến nay 41/50 đảng bộ cấp trên cơ sở, đảng bộ tương đương đã tổ chức xong. Hà Nội phấn đấu đến 18/8 sẽ tổ chức xong để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP. Đến 19/9/2020, Thành ủy Hà Nội sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị để trình Đại hội vào cuối tháng 10/2020.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH)
|
Đối với dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ TP, đến nay đã qua 4 phiên bản và mỗi phiên bản lại có nhiều lần dự thảo. Sau hội nghị này, Ban Thường vụ Thành ủy và Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP sẽ hoàn thiện để trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP xem xét, thông qua tại Hội nghị lần thứ hai mươi lăm; trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị để xin ý kiến Bộ Chính trị. Đồng chí Vương Đình Huệ mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp của Ban cán sự đảng Chính để giúp Ban Thường vụ Thành ủy, Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP xác định đúng tầm nhìn, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng và phát triển Thủ đô.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của Ban Cán sự đảng Chính phủ vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2020 – 2025 thể hiện sự cầu thị, phối hợp tốt và gắn bó. Từ đó, Thủ tướng đề nghị, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến để Hà Nội có thể phát triển xứng tầm trong nhiệm kỳ tới. Các ý kiến cũng cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn để cùng thảo luận, đóng góp xây dựng Thủ đô – trái tim của cả nước, để Hà Nội có thể cất cánh với khí thế của Thăng Long rồng bay.
Thủ đô phải gương mẫu, mẫu mực để các tỉnh khác nhìn vào
Tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Ban Cán sự đảng Chính phủ đều cho rằng, dự thảo báo cáo chính trị của Hà Nội được chuẩn bị công phu, có bố cục chặt chẽ, nhiều hướng tiếp cận mới, thẳng thắn đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế và bài học kinh nghiệm rút ra. Các đại biểu cũng đánh giá cao 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá thành phố đề ra. Đồng thời góp ý nhiều ý kiến chất lượng, xác đáng.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của vấn đề văn hóa đối với Thủ đô, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, sức ép của Hà Nội rất lớn, người Hà Nội đâu còn chỉ là người Hà Nội mà người từ các địa phương về rất đông, đặc biệt sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Nhiều người không có hộ khẩu chính thức nhưng sống ngày đêm thì vẫn gọi là người Hà Nội. Dù ở vùng nào, nhưng sinh sống ở Hà Nội thì cũng dần dần thấm chất người Hà Nội. Vì vậy, Hà Nội nên có chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người mới để thấm dần nếp sống của người Hà Nội.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. (ẢnhTH)
|
Đề nghị làm rõ khái niệm “thành phố toàn cầu” trong dự thảo báo cáo chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị dự thảo xem xét có thêm những thành tố về đối ngoại, hội nhập quốc tế trong chủ đề đại hội. Đồng thời đề nghị thành phố cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch và tập trung phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn
Đề cập đến tác động của dịch bệnh COVID-19 trên đìa bàn Thủ đô, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, đợt dịch vừa rồi, Hà Nội đã làm rất tốt, không chỉ chỉ đạo phòng chống dịch mà còn chỉ đạo phát triển kinh tế rất hiệu quả. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Hà Nội cần phân tích kỹ hơn phần dự báo về tác động của dịch COVID-19 đối với kế hoạch phát triển của nhiệm kỳ 2020-2025.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đánh giá cao mục tiêu tổng quát đến năm 2025 của Hà Nội về việc xây dựng, phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Việc chỉnh trang đô thị đã có sự thay đổi rõ nét, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, Thành phố tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo.
Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, Hà Nội là Thủ đô nên cần rất quan tâm đến các yếu tố phát triển bền vững. Hà Nội những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, song để nói về bền vững thì vẫn còn rất nhiều vấn đề phải lưu tâm, nghiên cứu thêm, từ môi trường, hạ tầng, đô thị… “Hà Nội đang có đà và rất nhiều điều kiện thuận lợi để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nếu chúng ta không chú trọng đến yếu tố bền vững thì những lợi thế đó sẽ dần trở thành bất lợi. Chẳng hạn về nguồn lực đất đai của Hà Nội, nếu không quan tâm đến yếu tố bền vững thì sẽ không còn đất để thu hút đầu tư, các nhà đầu tư sẽ đi tỉnh khác…” – đồng chí Tô Lâm phân tích.
|
Đại tướng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH)
|
Theo Đại tướng Tô Lâm, người dân, doanh nghiệp đều mong muốn được biết thành phố Hà Nội quy hoạch phát triển thành phố trong 10 năm tới ra sao, 50 năm tới ra sao, thậm chí 100 năm tới ra sao, có bao nhiêu vành đai, bao nhiêu trục đường lớn, phát triển về hướng nào, chỗ nào được quy hoạch làm đô thị… Ở các nước trên thế giới, các Thủ đô, thành phố lớn đều có quy hoạch như vậy… Khi thành phố làm tốt được quy hoạch này, sản phẩm quy hoạch được công bố công khai thì không những tạo được niềm tin mà còn là cơ sở, là động lực để phát triển Thủ đô bền vững. Thậm chí, Thủ đô phải làm mẫu mực cho cả nước về vấn đề này, để các tỉnh thành khác nhìn vào.
Về công tác đảm bảo an ninh trật tự, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, thành phố Hà Nội cần phải xác định công tác đảm bảo an ninh trật tự ở mức cao nhất, các cấp, các ngành của thành phố phải hết sức quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt nhất công tác này. Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Công an Thành phố (CATP) Hà Nội trong Nghị quyết đại hội của Đảng bộ CATP sắp diễn ra tới đây phải đề nghị, kiến nghị với Thành ủy, thành phố cụ thể hơn về công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TH)
|
Phát triển vươn lên với khí thế Thăng Long rồng bay
Phát biểu góp ý tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội được xây dựng trên tinh thần cầu thị, công phu, khoa học, bài bản; thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm với tư cách là Đảng bộ Thủ đô.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Hà Nội không chỉ là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, mà còn là trái tim thân yêu của cả nước, vì vậy, Hà Nội phải gương mẫu, đi đầu trên mọi lĩnh vực. Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ trực tiếp đóng góp vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nên phải được tổ chức thành công về cả nhân sự và văn kiện. Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, phải thực sự xứng tầm, là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dự thảo Báo cáo chính trị đã bám sát những tư tưởng, quan điểm lớn trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thể hiện sâu sắc kết quả, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; các mục tiêu, phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính thực tiễn và lý luận cao. Dự thảo Báo cáo chính trị cũng cho thấy sự khác biệt với các địa phương khác về tầm nhìn, đặt trong bối cảnh, không gian phát triển kết nối với Vùng Thủ đô và cả nước.
Thủ tướng cũng đề nghị, Hà Nội cần tập trung sâu hơn nữa cho nội dung về công tác xây dựng Đảng và nên được viết riêng thành mục lớn, quan trọng trong dự thảo Báo cáo chính trị cho tương xứng với kết quả, vị trí then chốt của lĩnh vực này.
Đồng tình với các nội dung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 5 năm qua, vai trò, vị thế của Hà Nội tiếp tục được khẳng định. Trong đó, truyền thống đoàn kết, thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hệ thống chính trị tiếp tục là sức mạnh và giá trị này càng được thể hiện rõ nét trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, khi thành phố đã thực hiện các biện pháp nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, chỉ đạo nhiều giải pháp phát triển, không để xảy ra đứt gãy nền kinh tế… Do đó, dự thảo Báo cáo chính trị cần phát huy tinh thần nêu trên, đưa vào các nội dung nhằm khơi dậy lòng tự hào, ý chí khắc phục khó khăn, vươn lên của các tầng lớp nhân dân.
Đánh giá cao mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, 2045 được đặt ra trong dự thảo Báo cáo chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc đặt ra chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% vào năm 2025. Đây là mức cao, nhưng hoàn toàn có thể đạt được. Thủ tướng đề nghị cân nhắc thêm về thứ tự 3 khâu đột phá lần lượt là: Thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Trong đó, Hà Nội phải sớm khắc phục triệt để những chỉ số thành phần còn thấp trong cải cách hành chính …
Đáng chú ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tư duy tầm nhìn của Hà Nội phải hướng tới cạnh tranh với các thành phố trong khu vực châu Á như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Bắc Kinh (Trung Quốc)… và hướng tới tầm nhìn này cho 15-20 năm tới. Hà Nội phải là nơi ngưng tụ nhân tài, hội tụ đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh xứ Đông, xứ Đoài.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu.
|
Đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 khi Hà Nội đã xuất hiện một số ca mắc mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các biện pháp đồng bộ, hiệu quả và cần tiếp tục đi đầu, không để dịch lan ra cộng đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Ban Cán sự đảng Chính phủ tự giao nhiệm vụ cho mình là phải tập trung xây dựng cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền cho Hà Nội để tạo điều kiện cho thành phố phát triển vươn lên với khí thế Thăng Long rồng bay.../.
Hoa Mai