(ĐHXIII) - Kết quả của đợt hiệp thương lần thứ nhất đã cho thấy cơ cấu thành phần, số lượng phân bổ đảm bảo, phù hợp với các chỉ tiêu, số lượng, chất lượng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cho các vòng hiệp thương bầu cử tiếp theo. Theo kế hoạch, hội nghị hiệp thương lần 2 sẽ được tổ chức chậm nhất ngày 19-3-2021.
|
Đại biểu biểu quyết thông qua thành phần, cơ cấu, số lượng đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX
|
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, công tác tổ chức hiệp thương lần thứ nhất, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, cùng với đó trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Nhưng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đợt hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được MTTQ từ tỉnh đến cơ sở tổ chức đúng kế hoạch, tiến độ đề ra. Các hội nghị hiệp thương đảm bảo dân chủ, đúng luật, đúng thời gian quy định.
Ở cấp tỉnh, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã thỏa thuận, thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026. Đối với đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu được bầu là 6 người, số lượng người được giới thiệu ứng cử là 15 người, trong đó: nữ 6 người, chiếm 40%; dân tộc thiểu số 7 người, chiếm 46,67%; trẻ tuổi 2 người, chiếm 13,33%; tái cử 2 người. Số đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX được bầu là 55 người, số lượng người giới thiệu ứng cử là 110 người, trong đó: nữ 39 người chiếm 35,45%; dân tộc thiểu số 58 người, chiếm 52,73%; trẻ tuổi 18 người, chiếm 16,36%; ngoài đảng 49 người, chiếm 10%, tái cử 18 người, chiếm 16,36%; tôn giáo 4 người, chiếm 3,64%.
Kết quả hiệp thương lần thứ nhất ở cấp huyện, cấp xã đã cho thấy về cơ cấu, thành phần được phân bổ đảm bảo phù hợp với các chỉ tiêu, số lượng và chất lượng. Tại các hội nghị hiệp thương đã thống nhất dự kiến phân bổ số lượng, cơ cấu thành phần, lĩnh vực công tác cho các cơ quan Đảng, cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội , đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế, tôn giáo. Đảm bảo cơ cấu kết hợp giữa đại biểu tái cử, đại biểu nữ, người ngoài Đảng, trẻ tuổi, dân tộc thiểu số, tôn giáo. Đảm bảo số dư cao theo hướng mở rộng, dân chủ.
Tại huyện Lâm Bình, sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, đã thống nhất số đại biểu HĐND huyện được bầu là 30 đại biểu, số lượng người được giới thiệu ra ứng cử là 60 người. Đại biểu HĐND cấp xã của huyện được bầu là 173 đại biểu, số lượng người được giới thiệu ra ứng cử là 413 người. Đồng chí Ma Phúc Sơn, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện chia sẻ: Với tinh thần dân chủ, khách quan, thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm cao, ở hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu cho ý kiến vào cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử. Thông qua đó, đã thống nhất về số lượng, cơ cấu bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong các cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương.
Đồng chí Đinh Thị Thương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) cho biết: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của xã đã thống nhất giới thiệu 48 người ra ứng cử để bầu lấy 24 đại biểu HĐND xã đảm bảo cơ cấu, thành phần, số lượng. Với việc triển khai đúng quy định, Uỷ ban MTTQ xã đang tiếp tục cùng các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền tới các cử tri và nhân dân trên địa bàn nhằm lựa chọn được những đại biểu có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và trình độ năng lực để tham gia vào HĐND xã, nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới.
PV