(ĐHXIII) – Nhiều điểm mới tại Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW, ngày 20/01/2021, về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được ông Đặng Cao Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương (Vụ 5), Ban Tổ chức Trung ương thông tin, quán triệt tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND
Về tiêu chuẩn chung
Ông Đặng Cao Đức, Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp phải là những người trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đối với cán bộ, đảng viên phải là những người tiêu biểu, xuất sắc, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng, có năng lực, kinh nghiệm, thể hiện trách nhiệm nêu gương, không vi phạm những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội và HĐND; mặt khác, quán triệt Thông báo kết luận số 174-TB/TW ngày 08/6/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (Kết luận số 174), Hướng dẫn số 36 đã bổ sung cụ thể yêu cầu phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.
Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND chuyên trách
Ngoài tiêu chuẩn chung đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, ông Đặng Cao Đức cho biết, Hướng dẫn số 36 cũng đã quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu HĐND chuyên trách. Điểm mới bổ sung lần này là, người giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên; ở địa phương thì phải là các chức danh giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên. Tương tự, đối với đại biểu HĐND chuyên trách cũng đã cập nhật những điểm mới theo Kết luận số 174 và đã được thể hiện cụ thể trong Hướng dẫn số 36.
Ông Đặng Cao Đức, Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương thông tin, quán triệt những nội dung mới trong Hướng dẫn số 36 về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Trí Đức)
|
Về độ tuổi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương Đặng Cao Đức thông tin, kể từ ngày 01/01/2021, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2020/NĐ-CP về tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động mới; căn cứ Kết luận số 174 và các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước, Hướng dẫn số 36 đã quy định rõ độ tuổi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:
Đối với cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử phải đủ tuổi tham gia 02 khóa Quốc hội, HĐND các cấp trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây.
Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội), đại biểu HĐND chuyên trách tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây.
Riêng những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân.
Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn như Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2019 của Ban Bí thư thì do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.
Cán bộ nữ thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ (Nghị định 53/2015/NĐ-CP, ngày 29/5/2015 của Chính phủ, Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức và Nghị định 104/2020/NĐ-CP, ngày 04/9/2020, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 của Chính phủ Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức (là cán bộ nữ người dân tộc thiểu số là thường vụ tỉnh, thành ủy) được tính tuổi công tác như nam, cụ thể: tính đến tháng 5/2021, người ứng cử lần đầu sinh từ tháng 01/1966, tái cử sinh từ tháng 7/1963 trở lại đây (tính đến tháng 5/2021 chưa quá 55 tuổi 4 tháng).
Về quy định đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục giữ chức vụ và tham gia công tác khi đến tuổi nghỉ hưu
Ông Đặng Cao Đức, Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, căn cứ Kết luận số 174, Hướng dẫn số 36 đã bổ sung nội dung: đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương khi đến tuổi nghỉ hưu được giữ chức vụ công tác đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương khi đến tuổi nghỉ hưu thì thôi giữ các chức vụ và tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đến hết nhiệm kỳ.
Về bố trí trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV
Theo Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương Đặng Cao Đức cho biết, từ thực tiễn việc bố trí, phân công trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV thời gian qua, Hướng dẫn 36 bổ sung, sửa đổi 2 điểm:
Một là, các đồng chí là lãnh đạo chủ chốt tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp ủy đề xuất và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, nếu trúng cử thì đảm nhiệm chức danh trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố theo nguyên tắc mỗi đồng chí thường trực cấp ủy cấp tỉnh nhìn chung không giữ quá 02 chức danh lãnh đạo (Bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND và trưởng đoàn đại biểu Quốc hội); các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng được phân công làm trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố thì không giữ quá 03 chức danh lãnh đạo.
Hai là, trường hợp khi trưởng đoàn đại biểu Quốc hội có sự thay đổi công tác thì Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nhân sự phù hợp đảm nhiệm vị trí trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; trường hợp đặc biệt nếu tại địa phương không có nhân sự đáp ứng yêu cầu thì có thể xem xét, phân công đồng chí đại biểu Quốc hội ứng cử tại địa bàn là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý kiêm nhiệm Trưởng đoàn.
Về quy trình nhân sự
Ông Đặng Cao Đức, Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, để bảo đảm nguyên tắc quản lý cán bộ của Đảng, tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 45-CT/TW, Hướng dẫn số 36 đã bổ sung, hoàn thiện thêm nội dung về quy trình nhân sự như sau:
Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thực hiện theo quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; quy trình, thủ tục, hồ sơ cụ thể thực hiện theo quy định của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đối với nhân sự là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, việc giới thiệu ứng cử phải thực hiện theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước. Đối với người ngoài Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu trách nhiệm về kết luận của mình./.
TG