|
Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo Đại hội (ảnh: Đình Tăng).
|
Sáng 12/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chính thức khai mạc. Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Cùng dự Đại hội có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và 347 đại biểu chính thức đại diện hơn 69.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.
Thực hiện 03 nhiệm vụ đột phá gắn với cơ cấu lại nền kinh tế
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Phan Việt Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam khẳng định: 5 năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; thực hiện 03 nhiệm vụ đột phá gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được nhiều kết quả tích cực. Quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực duyên hải miền Trung. Từ năm 2017, tỉnh đã tự chủ ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục là điểm sáng, duy trì vai trò đầu tàu trong tăng trưởng, mà nổi bật là THACO Chu Lai - Trường Hải, với nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra các nước trên thế giới, hướng đến hình thành Trung tâm cơ khí ô tô quốc gia.
Dịch vụ - du lịch đang từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cùng với phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa thế giới, các loại hình dịch vụ, dự án mới quy mô lớn, nhất là khu vực ven biển đã hình thành, tạo điểm nhấn như: Khu Nghỉ dưỡng Nam Hội An, Viperl Nam Hội An... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển đồng bộ, tạo tiền đề quan trọng cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm tới.
Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng mừng; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, phương thức lãnh đạo không ngừng đổi mới. Niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được nâng cao. Đó là nền tảng hết sức quan trọng để Quảng Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam cho biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXI; thảo luận và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của nhiệm kỳ 2020 – 2025; lựa chọn bầu những đồng chí thật sự tiêu biểu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII; thảo luận và thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu Đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
|
Các đại biểu tham dự Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (ảnh: Đình Tăng).
|
5 năm qua, kinh tế tỉnh Quảng Nam tiếp tục tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 9,53%/năm, xấp xỉ đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước, đưa quy mô nền kinh tế lên gần 109 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP chiếm 31,51%, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. GRDP bình quân đầu người đạt 72,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng; năng suất lao động xã hội năm 2020 là 124 triệu đồng/lao động. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch dần sang khu vực dịch vụ, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GRDP giảm từ 14,7% năm 2015 còn 11% năm 2020, các ngành phi nông nghiệp tăng từ 85,3% năm 2015 lên 89% năm 2020. Cơ cấu lao động chuyển dịch khá tích cực: Khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 38%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,1%; khu vực dịch vụ chiếm 32,9%.
Cùng với kinh tăng trưởng kinh tế, công tác giáo dục - đào tạo từng bước được đổi mới căn bản, toàn diện, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Mạng lưới y tế ngày càng được củng cố, kiện toàn và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác chăm lo đối tượng chính sách, người có công được quan tâm thường xuyên, đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng chính sách được cải thiện. Xây dựng, phát triển văn hóa, con người được quan tâm xuyên suốt và có nhiều chuyển biến tích cực.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững; các hoạt động đối ngoại được mở rộng. Công tác nội chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách tư pháp được thực hiện nghiêm túc. Dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, thiết thực. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp được tăng cường; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Lĩnh vực xây dựng Đảng được quan tâm thường xuyên, trong đó công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức được tăng cường; công tác tổ chức cán bộ được triển khai đồng bộ; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện đúng quy định; công tác dân vận có nhiều chuyển biến tích cực; phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới, hiệu quả.
Xác định 25 chỉ tiêu và 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Về nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Báo cáo chính trị xác định 25 chỉ tiêu và 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, Quảng Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm từ 7,5 - 8%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 từ 110 - 113 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 9% (trong đó, thu nội địa tăng bình quân 10%/năm, thu xuất nhập khẩu tăng bình quân 4%/năm); tỷ trọng các ngành trong GRDP đến năm 2025: Công nghiệp - xây dựng từ 35,8 - 36%; dịch vụ từ 37,2 - 37,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp từ 17,5 - 17,4%; nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 9,5 - 9,3%. Đến năm 2030: Công nghiệp - xây dựng 35,5% (trong đó, công nghiệp 28,7%); dịch vụ 37%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 19,3%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 8,1%....
Hằng năm, số đảng viên được kết nạp từ 1.500 đảng viên trở lên; số đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt tỷ lệ từ 90% trở lên; số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ từ 90%...
Xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao và ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí khẳng định: Nhiệm kỳ 2015-2020, với quyết tâm chính trị cao, đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
|
Toàn cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025). (ảnh: Đình Tăng).
|
Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định: Những thành tựu đạt được của tỉnh Quảng Nam trong 5 năm qua là rất đáng khích lệ, là nền tảng quan trọng để Quảng Nam thực hiện các mục tiêu tiếp theo.
Tán thành những vấn đề mà Báo cáo chính trị đặt ra tại Đại hội, đồng chí Trương Thị Mai lưu ý thêm một số vấn đề lớn. Trong đó, yêu cầu Quảng Nam cần tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên định nguyên tắc độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng; nâng cao năng lực cầm quyền, sức chiến đấu, đoàn kết, thống nhất trong Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tiếp tục sắp xếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và gắn bó mật thiết với Nhân dân.
Tiếp tục có giải pháp nâng cao tính bền vững đối với các kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được, hướng mạnh hơn đến những yếu tố cốt lõi, tạo động lực cho chất lượng tăng trưởng, môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực chất lượng cao với năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo sự thay đổi và hiệu quả cao, rõ ràng trong thực hiện các đột phá về kết cấu hạ tầng; phát triển đô thị, khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Có giải pháp phát huy tối đa các lợi thế của địa phương, tạo được bước phát triển mới về công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp cơ khí – ô tô, ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghiệp sạch, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, đi liền với kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường.
Huy động các nguồn lực cho phát triển không gian đô thị; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là Khu kinh tế mở Chu Lai theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực các khu công nghiệp, các công trình trọng điểm, chiến lược, kết nối giao thông tốt hơn giữa đô thị với miền núi, giữa phía Bắc và phía Nam, giữa Quảng Nam với các hạt nhân phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Vùng Duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên, làm động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn.
Đẩy mạnh phát triển du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung phát triển dịch vụ phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng. Chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, phải làm cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội; quyết tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho yêu cầu phát triển.
Tiếp tục củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, quan tâm đầu tư xây dựng các công trình vừa đảm bảo quốc phòng an ninh, vừa có thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với những lưu ý trên, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Đại hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm để lựa chọn những đồng chí đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân tín nhiệm để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII với cơ cấu hợp lý. Đồng thời, lựa chọn các đại biểu tiêu biểu thay mặt cho Đảng bộ tỉnh dự Đại hội đại biểu toàn quốc, đóng góp vào thành công của Đại hội.
“Sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII cần nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống”- đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh và tin tưởng: Với truyền thống anh hùng cách mạng, kiên cường, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục vươn lên, xây dựng và phát triển Quảng Nam trở thành tỉnh khá trong cả nước, tạo điều kiện cho cuộc sống của Nhân dân Quảng Nam ngày càng tốt đẹp hơn, đóng góp quan trọng cho phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Theo chương trình, Đại hội sẽ diễn ra đến ngày 13/10/2020./.
Đình Tăng