Ngày 26/9, đã diễn ra phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, với sự tham dự của 350 đại biểu đại diện cho gần 65.000 đảng viên trong toàn tỉnh.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội.
|
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội.
|
Tham dự Đại hội có đồng chí Trịnh Đình Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các bộ ngành, Ban Đảng Trung ương, Văn phòng Trung ương, Quân khu I.
Đại hội diễn ra với chủ đề: “Tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đổi mới, sáng tạo, huy động và khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới; xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững”.
Hoàn thành 18/20 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh, chúng ta vui mừng nhận thấy, toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nhất trí, nỗ lực, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra từng năm và của cả nhiệm kỳ. Tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh có chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện, với những dấu ấn khá nổi bật trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thay đổi diện mạo đô thị, xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo.
Lạng Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; củng cố kỷ luật, kỷ cương; tinh giản tổ chức bộ máy gắn liền với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; từng bước khắc phục sự hẫng hụt đội ngũ cán bộ. Là một tỉnh biên giới, Lạng Sơn đã làm tốt công tác quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Báo cáo chính trị trình Đại hội do đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn trình bày nêu rõ: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, với sự đoàn kết thống nhất, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và tham gia tích cực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong tổng số 20 chỉ tiêu chủ yếu, đã thực hiện đạt và vượt 18 chỉ tiêu đề ra.
|
Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn phát biểu khai mạc Đại hội.
|
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hoạt động của chính quyền các cấp, của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; công tác cải cách hành chính, thực hiện kỷ luật, kỷ cương có những chuyển biến rõ nét. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc, phát huy hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 5,45%, trong đó: Ngành nông, lâm nghiệp tăng 1,24%; công nghiệp – xây dựng tăng 12,76%; dịch vụ tăng 5,07%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,83%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, ngành nông, lâm nghiệp chiếm 20,83%, công nghiệp – xây dựng 23,55%, dịch vụ 50,87%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,75%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng (gấp 1,44 lần so với năm 2015), tương đương 1.937 USD.
Lĩnh vực văn hoá – xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Công tác cải cách tư pháp triển khai thực hiện tích cực. Hoạt động đối ngoại ngày càng hiệu quả; năng lực hội nhập quốc tế được nâng lên…
Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí khẳng định, những thành tựu đó đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước và tạo tiền đề quan trọng cho tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.
Tuy đạt được nhiều thành tích, nhưng Lạng Sơn vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như Báo cáo chính trị của Đại hội đã chỉ ra. Đồng chí Phạm Minh Chính lưu ý, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, truyền thống cách mạng hào hùng và văn hóa lâu đời của đất và người nơi đây. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tuy có cải thiện nhưng còn đứng ở nhóm trung bình của cả nước (năm 2019 xếp thứ 50/63 tỉnh thành). Thu nhập bình quân đầu người đạt 1.937 USD/người so với 2.500 USD bình quân của cả nước. Cải cách hành chính còn chậm (năm 2019 xếp thứ 42/63 tỉnh, thành trong cả nước). Số hộ nghèo giảm nhanh, nhưng tỷ lệ vẫn còn cao (năm 2019 là 10,89%, so với 3,75% của cả nước); đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn…
|
Hình ảnh tại Đại hội.
|
Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị Đại hội tập trung thảo luận kỹ những hạn chế, yếu kém, phân tích sâu sắc hơn về công tác xây dựng Đảng; làm rõ nét hơn về nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và rút ra các bài học kinh nghiệm, đặc biệt là các bài học kinh nghiệm về sự đoàn kết, thống nhất, ý thức tự lực, tự cường để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Gợi mở những định hướng và giải pháp để Lạng Sơn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong thời gian tới, đồng chí Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh cần tiếp tục giữ gìn, củng cố, dày công chăm lo, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và các tầng lớp nhân dân; có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, chuyển hóa truyền thống cách mạng, văn hóa lịch sử lâu đời, phong phú đa dạng và đậm đà bản sắc Lạng Sơn thành nguồn lực để phát triển; biến khó khăn, thách thức thành động lực để vươn lên… Tiếp tục xác định và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Giữ gìn và xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; có các giải pháp mạnh mẽ, phù hợp để giảm nghèo nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2025 không còn huyện nghèo và cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn; bảo đảm sự phát triển hài hòa và cân đối giữa các vùng, miền, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân sao cho thật sự ấm no, hạnh phúc.
Lạng Sơn cần tập trung lãnh đạo, đầu tư cho phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm gắn kết với việc cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội. Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn cần xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những hạn chế của địa phương trong mối tương quan của khu vực và cả nước để cụ thể hóa thành mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho phù hợp trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Đồng chí Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Lạng Sơn cần tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu. Chủ động xây dựng Lạng Sơn thành khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng; phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và gắn với thế trận lòng dân vững chắc. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện phương châm bảo đảm an ninh, an toàn và an dân trên khắp mọi miền trong tỉnh. Chủ động và tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại một cách toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi lên, những vấn đề tồn đọng, bức xúc kéo dài ở cơ sở. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; thật sự phát huy dân chủ, nhất là dân chủ ở cơ sở.
Cũng trong ngày 26/9, Đại hội đã nghe báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII.
Ban Chấp hành Đảng bộ đã họp phiên thứ I bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư và các Phó Bí thư Tỉnh ủy; bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025./.
Nhóm PV