Doanh nhân đất Việt dấn thân, góp phần xây dựng đất nước hùng cường

Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương và Diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2020

“Doanh nhân Việt Nam - Tổ quốc gọi tên mình” diễn ra tại Hà Nội ngày 9/10 (Ảnh: QT)

Tại lễ kỷ niệm được tổ chức ngày 9/10 tại Hà Nội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, lực lượng doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, phát triển liên tục cả về chất lượng và số lượng; đã hình thành một số thương hiệu lớn và trở thành bạn hàng uy tín đối với đối tác quốc tế. Doanh nhân luôn là lực lượng đi đầu trên mặt trận kinh tế, đóng góp chủ yếu vào nguồn thu ngân sách cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên theo ông, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề trên diện rộng, nhiều đơn vị suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, đứng trước rủi ro trong khi dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu kết thúc trên toàn cầu.

“Các Nghị quyết của Đảng trong nhiệm kỳ qua đã xác lập một hệ thống chủ trương chính sách khá đồng bộ cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Nhưng còn một chủ trương chính sách mà chúng tôi thiết nghĩ rất cần sự quan tâm của Đảng đó là chủ trương chính sách đối với sự phát triển của các hộ kinh doanh cá thể - chiếc nôi của tinh thần khởi nghiệp, nơi sinh kế của hàng chục triệu con người, nơi tạo ra 30% GDP của nền kinh tế, lực lượng chiếm tới 88% tổng số chủ thể kinh doanh ở nước ta. Rất cần một khung khổ pháp lý bình đẳng, minh bạch định vị và làm rõ vai trò và chính sách phát triển của khu vực này trong nền kinh tế đổi mới và hội nhập, phát triển bền vững và bao trùm ở nước ta”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cũng trong buổi lễ, các đại biểu tham dự đã tham gia cuộc đối thoại “Đảng với doanh nhân” với chủ đề “Trách nhiệm của doanh nhân xây dựng đất nước hùng cường - Kiến nghị với Đảng và kỳ vọng của doanh nhân vào Đại hội lần thứ XIII của Đảng”. Cuộc đối thoại diễn ra sôi nổi và có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết đến từ các doanh nhân.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nhận định rằng, thông qua đại dịch COVID-19, Việt Nam nhận biết mình đang ở đâu trên bản đồ thế giới: “Chúng tôi cũng biết mình cần làm gì để chung tay xây dựng, tháo gỡ khó khăn kinh tế từ hệ lụy do dịch bệnh gây ra. Không có gì thiết thực hơn là việc tập trung hoàn thành các dự án đang triển khai, sớm đưa vào vận hành như đã cam kết, nhằm phụng sự mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,  văn minh” mà Đảng ta đã đề ra như một kim chỉ nam hành động và nỗ lực phấn đấu để hướng tới tương lai tốt đẹp”.

Ông Hồ Minh Hoàng khẳng định: “Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã xử lý hàng loạt vấn đề tiêu cực, củng cố niềm tin cho nhân dân về một chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo ra động lực mới cho doanh nghiệp - cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính có cơ hội vươn lên và cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước. Là một công dân - doanh nhân Việt, tôi bày tỏ kỳ vọng và tin tưởng vào công tác nhân sự của Đảng đang thực hiện để chọn ra thế hệ lãnh đạo xứng tầm, có tư duy đổi mới, thực đức, thực tài, có bản lĩnh đối mặt với thách thức, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, vì lợi ích chung, vì sự trường tồn của dân tộc, thấu hiểu, thấu cảm, chia sẻ và đồng hành cùng Doanh nghiệp Việt Nam chung tay đưa đất nước phát triển, phồn vinh để cùng thắp lên “mùa xuân dân tộc”.

Các đại biểu tham dự đã tham gia cuộc đối thoại “Đảng với doanh nhân” với chủ đề “Trách nhiệm của doanh nhân xây dựng đất nước hùng cường - Kiến nghị với Đảng và kỳ vọng của doanh nhân vào Đại hội lần thứ XIII của Đảng”  (Ảnh: QT)

 Ông Hoàng cho biết thêm, đặt mình trong bối cảnh chung của đất nước, của thế giới - để đủ sức tồn tại, cạnh tranh và phát triển, các doanh nghiệp tích cực, thẳng thắn tham gia đóng góp ý kiến cùng Đảng và Nhà nước nhằm khởi tạo môi trường đầu tư thông thoáng, phù hợp trong tương lai trên tinh thần phản ánh tình hình khách quan, tổng kết  hoạt động thực tiễn của mình (nhắm đến việc đề xuất xác định hành lang pháp lý phù hợp - không cầu toàn, chung chung), “Mở rộng vòng tay” liên doanh, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và cộng đồng trách nhiệm để tạo ra các chuỗi cung ứng phù hợp, giảm thiểu chi phí vô hình. 

Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái mong muốn thông qua Diễn đàn này gửi một thông điệp tới Đảng và Chính phủ tiếp tục vững tin vào cộng đồng doanh nhân Việt Nam, bởi sức chịu đựng của doanh nhân Việt Nam rất lớn. “Chúng ta có sức chịu đựng, có tham vọng, có quyết tâm, kể cả những thời kỳ chiến tranh khốc liệt chúng ta vẫn vượt qua được” - ông Đoàn nói.

Ông Nguyễn Đức Cây - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Constrexim cho biết có hai nội dung chính muốn kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân có điều kiện phát triển một cách toàn diện. Thứ nhất, về cơ chế chính sách đề nghị Đảng đặc biệt phải quan tâm đến sự đồng bộ về việc ban hành các cơ chế, chính sách các thể chế quản lý; sớm loại bỏ tình trạng các thông tư, nghị định của các Bộ, ngành chồng chéo lên nhau làm cho hệ thống kinh tế của chúng ta nói chung và hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp, doanh nhân. Thứ hai, mong Đảng và Nhà nước bằng mọi biện pháp xử lý một cách triệt để tình trạng gây phiền hà, khó khăn, tình trạng tham nhũng vặt trong bộ máy công quyền từ Trung ương đến địa phương.

Kết luận tại Chương trình, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng cần một hệ sinh thái chuẩn mực, một hệ thống thể chế chuẩn mực cho một thế hệ doanh nhân chuẩn hóa thì chúng ta mới có thể xây dựng và phát triển một đất nước hùng cường./.

 

Phản hồi

Các tin khác