Đổi mới công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Cảnh sát giao thông xử lý tài xế vi phạm Luật Giao thông đường bộ. 

Thể chế, chính sách vững mạnh

Tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã đưa ra các giải pháp về xây dựng pháp luật, trong đó, xác định các lĩnh vực trọng điểm cần ưu tiên đầu tư để xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (từng năm và cả nhiệm kỳ) và chương trình xây dựng VBQPPL hằng năm của Chính phủ, cần xác định một số lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, tạo sức bứt phá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn để ưu tiên tập trung nguồn nhằm xây dựng và ban hành kịp thời các luật, bộ luật có tính khả thi cao; tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và các bộ trưởng trong việc chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật...

Theo đó, trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự chỉ đạo của Bộ trưởng và các Thứ trưởng, toàn thế cán bộ, công chức Bộ GTVT đã cố gắng, nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, góp phần thiết lập hành lang pháp lý thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Trong 5 năm qua, công tác xây dựng VBQPPL tại Bộ GTVT đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Về công tác xây dựng luật, trong 5 năm 2015 - 2019, Bộ GTVT luôn chủ động, tích cực rà soát và đăng ký xây dựng các luật, bộ luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Tất cả các văn bản do Bộ đăng ký với Quốc hội đều được Quốc hội chấp thuận và thông qua với tỷ lệ số phiếu biểu quyết cao.

Trong 5 năm qua, Quốc hội đã thông qua 2 dự án Luật do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo là: Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) năm 2015 và Luật Đường sắt (sửa đổi) năm 2017. Sự ra đời của các văn bản này đều được dư luận tích cực đón nhận và coi đây là những cải cách, đột phá mới trong thể chế, chính sách. Đặc biệt, triển khai thi hành Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Luật Đường sắt, Bộ GTVT đã rất khẩn trương, chủ động triển khai công tác soạn thảo văn bản quy định chi tiết một các tích cực để ban hành kịp thời, đầy đủ đảm bảo chất lượng và theo đúng tiến độ được giao.

Song song với việc xây dựng trình các luật trên, Bộ GTVT cũng tiến hành tổng kết Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực thi và thực hiện quy trình xây dựng VPQPPL, Bộ GTVT đã triển khai lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) trình Chính phủ trong tháng 10/2019. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang triển khai việc tổng kết Luật Giao thông Đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam để xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế và công tác quản lý chuyên ngành.

Về công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, giai đoạn 5 năm 2015-2019, trong quá trình xây dựng các VBQPPL, Bộ GTVT luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng của văn bản cũng như tiến độ ban hành nhằm bảo đảm tính kịp thời để điều chỉnh những vấn đề mới để phát sinh hoặc tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu tác động của văn bản, đặc biệt là các quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.


Vụ Pháp chế Bộ GTVT giúp lãnh đạo Bộ GTVT tham mưu quy định về thu phí không dừng vừa triển khai đồng bộ trên toàn quốc từ ngày 31/12/2020. 

Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền những VBQPPL với nội dung tập trung chủ yếu vào công tác quản lý vận tải và dịch vụ vận tải, công tác đảm bảo an toàn giao thông, công tác xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước,...

Các văn bản đã thiết lập khung pháp lý để tái cơ cấu vận tải, tái cơ cấu thị trường và kết nối các phương thức vận tải, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ vận tải, bảo vệ môi trường… Nhiều quy định đã được ban hành để siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải; quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, chủ phương tiện, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ; quản lý hoạt động đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị,…

Nhiệm vụ không hề dễ dàng

Theo Chi bộ Vụ Pháp chế, hiện nay, một số văn bản chuyên ngành GTVT chưa có sức sống lâu dài trong thực tiễn, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung. Chất lượng một số dự thảo văn bản còn chưa đáp ứng yêu c ầu thực tiễn. Trong quá trình xây dựng văn bản, đối với một số văn bản có nội dung phức tạp, nhạy cảm nên có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau dẫn đến việc trình văn bản, chậm ban hành so với chương trình kế hoạch.

Thực tiễn cuộc sống thay đổi nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào thị trường quốc tế; các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực GTVT đa dạng, tăng nhanh về số lượng; hệ thống văn bản, cơ chế, chính sách của các bộ, ngành có liên quan cũng thường xuyên thay đổi… là những nguyên nhân khiến cho hệ thống các VBQPPL của Bộ GTVT cũng phải thay đổi theo để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành.

Quá trình xây dựng chính sách chưa lường hết được sự thay đổi của thực tiễn xã hội. Công tác xây dựng pháp luật chuyên ngành GTVT là một nhiệm vụ không hề dễ dàng do các lĩnh vực trong ngành rất rộng và đòi hỏi sự nghiên cứu sâu về kỹ thuật, sự cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương. Nguồn nhân lực và các điều kiện cho công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế so với nhu cầu xử lý khối lượng công việc đặt ra.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành VBQPPL

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, trong giai đoạn phát triển 2020-2025, Chi bộ Vụ Pháp chế sẽ tiếp tục xác định vai trò, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, trong quá trình xây dựng và ban hành VBQPPL các cơ quan chủ trì soạn thảo phải quán triệt và nghiên cứu quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng để bảo đảm thể chế hóa đúng, đủ, kịp thời thành quy định của pháp luật.

Cùng với đó, cần đổi mới tư duy của người đứng đầu về tầm quan trọng và trách nhiệm trong xây dựng pháp luật, đặc biệt là tư duy làm chính sách, xây dựng pháp luật; người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo phải đặc biệt chú trọng và đề cao vai trò trách nhiệm trong suốt quá trình xây dựng văn bản từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi được ký ban hành; trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn bộ về tội dung, chất lượng, tiến độ trình các dự thảo do cơ quan mình chủ trì.

Đồng thời tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức có chuyên môn, chuyên nghiệp, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước trong ngành GTVT. Kiện toàn tổ chức bộ máy pháp chế nhằm tăng cường vai tro của các tổ chức pháp chế để đảm bảo chất lượng của các VBQPPL.

Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng thể chế. Nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, góp ý, thẩm định, đánh giá tác động trong quá trình xây dựng VBQPPL. Thường xuyên rà soát các VBQPPL; đề xuất, sửa đổi các VBQPPL trong ngành GTVT với các cơ quan có thẩm quyền hoặc trình Bộ GTVT xem xét sửa đổi, bổ sung, xây dựng văn bản kịp thời, phù hợp. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa và các nguồn tài chính khác nhằm thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật.

Phản hồi

Các tin khác