Quyết tâm tạo sự đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại

Một phần đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long (Hà Nội) nhìn từ trên cao.

 Mục tiêu giai đoạn mới

Lãnh đạo Chi bộ Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, nhiệm vụ chủ yếu phát triển KCHTGT giai đoạn 2020-2030 là ưu tiên đầu tư phát triển trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững chất lượng. Nhà nước tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách.

Đồng thời huy động tối đa mọi nguồn lực khác cho đầu tư phát triển và bảo trì, bảo vệ KCHTGT với việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các công trình hiện đại, có tính kết nối, lan tỏa cao, tạo động lực phát triển KTXH cho cả nước như cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống đường bộ cao tốc (đến năm 2030 có khoảng 4.000 – 4.500km), đường sắt tốc độ cao Bắc Nam (trước mắt đầu tư các đoạn có nhu cầu vận tải lớn); đầu tư theo quy hoạch phát huy lợi thế của các cảng biển nước sâu...; ưu tiên đầu tư các công trình giải quyết ách tắc, quá tải, dự án kết nối các phương thức vận tải.

Đối với kế hoạch đầu tư phát triển KCHTGT giai đoạn 2021- 2025, tập trung phát triển một số công trình hạ tầng lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số tuyến cao tốc quan trọng khác (đặc biệt là các tuyến vành đai, tuyến kết nối với các trung tâm kinh tế lớn). Ưu tiên cải tạo, mở rộng các cảng hàng không lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn; cải tạo, nâng cấp các quốc lộ trọng yếu, liên vùng, xóa các điểm đen về tai nạn giao thông; hoàn thành các dự án đường sắt dở dang, cải tạo các nút thắt để nâng cao năng lực thông qua của đường sắt hiện có, nghiên cứu xây dựng đường sắt kết nối vào các cảng biển đầu mối; cải tạo, nâng cấp các hành lang vận tải thủy quan trọng, nâng tĩnh không một số cầu đảm bảo đồng bộ về kỹ thuật phục vụ phát triển vận tải container, hàng hoá chuyên dụng, khối lượng lớn trên đường thuỷ nội địa phía Bắc, phía Nam và kết nối cảng biển; đầu tư đảm bảo đồng bộ các cảng biển cửa ngõ quốc tế và một số cảng biển có nhu cầu vận tải lớn; phát triển hệ thống cảng cạn.

Theo tổng hợp nhu cầu đầu tư KCHTGT từ 63 tỉnh, thành cả nước (khoảng 850.000 tỷ đồng) cùng số phải xử lý nợ đọng, chuyển tiếp từ giai đoạn trước (khoảng 160.000 tỷ đồng), tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng. Căn cứ định hướng phát triển KCHT của Đảng, trên cơ sở rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, Bộ GTVT đã cho phép chuẩn bị đầu tư gần 200 dự án để xem xét đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 với tổng nhu cầu vốn đầu tư (gồm nhu cầu xử lý nợ đọng chuyển tiếp và nhu cầu khởi công mới các dự án) khoảng 560.000 tỷ đồng (490.000 tỷ đồng vốn NSNN và 70.000 tỷ đồng huy động ngoài ngân sách).

Nhận diện các cơ hội và thách thức

Lãnh đạo Chi bộ Vụ Kế hoạch – Đầu tư cũng cho biết, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng tiếp tục xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những đột phá chiến lược phát triển KTXH đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định song phương và đa phương về thương mại, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, trong khi hợp tác kinh tế toàn cầu vẫn là xu thế lớn trong giai đoạn tới. Cùng với đó, thể chế, chính sách về đầu tư, xây dựng dần được hoàn thiện tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn cho huy động đầu tư phát triển KCHTGT. Đồng thời, khoa học, công nghệ thế giới đang có những chuyển biến mạnh mẽ, nhất là công nghệ ứng dụng như vật liệu xây dựng, vật liệu chế tạo, công nghệ năng lượng, phần mềm ứng dụng,... sẽ có nhiều tác động tích cực đến phương thức quản lý, xu hướng đầu tư HTGT của đất nước.

Về những thách thức hiện nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, chiến tranh thương mại, bất ổn của nhiều khu vực trên thế giới và đặc biệt ảnh hưởng nghiên của đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua sẽ là rào cản tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vì vậy, nền kinh tế của Việt Nam, trong đó có ngành GTVT sẽ phải chịu tác động rất lớn của các yếu tố biến động bên ngoài khó lường này.

Mặt khác, do xuất phát điểm của nền kinh tế nước ta thấp, tổng nguồn lực quốc gia còn hạn chế. Đặc biệt, tác động to lớn, không lường trước được của đại dịch COVID-19 chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn tới nguồn thu quốc gia trong thời gian tới. Trong khi nhu cầu nguồn vốn cho đầu tư phát triển KCHTGT rất lớn, dẫn tới khả năng mất cân đối nghiêm trọng giữa nhu cầu đầu tư và khả năng cân đối nguồn lực. Một ví dụ, giai đoạn 2016 - 2020, ngành GTVT xác định nhu cầu đầu tư lên tới gần 1 triệu tỷ đồng, đến nay cũng mới được giao kế hoạch đầu tư trung hạn khoảng 233 nghìn tỷ đồng (chỉ đáp ứng 23% so với nhu cầu) và thực tế bố trí kế hoạch hàng năm được 161 nghìn tỷ đồng (69% so với kế hoạch). Giai đoạn 2021 - 2025 đến nay vẫn chưa thông báo được tổng nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển và khả năng sẽ phải sử dụng giá trị tổng nguồn bằng số đã cân đối trong giai đoạn 2016 - 2020 để xây dựng kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.

Mặc dù thể chế, chính sách về đầu tư, xây dựng đang dần được hoàn thiện, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập gây khó khăn cho công tác huy động, thực hiện đầu tư. Hiện Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đã ra đời, tuy nhiên, các quy định về phân chia rủi to, xác định lợi nhuận của nhà đầu tư vẫn chưa tiếp cận thông lệ quốc tế; các quy định, chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng chưa đồng bộ, đầy đủ để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của người dân,... Mặt khác, với môi trường xã hội ngày càng dân chủ, kinh nghiệm xây dựng chính sách, quản lý còn yếu; các phần tử thiếu thiện ý thường xuyên lợi dụng xuyên tạc nên việc xây dựng và áp dụng các chính sách mới gặp nhiều khó khăn.

Các quy hoạch hiện nay còn thiếu tính thực tế, không gắn với khả năng nguồn lực để triển khai. Do vậy, khi xây dựng kế hoạch, dự kiên nhu cầu vốn quá cao không phù hợp với khả năng đáp ứng của ngân sách.

Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, việc phân quyền, phân công, phân cấp giữa các cơ quan đơn vị tham gia quản lý, thực hiện đầu tư đôi khi còn chồng chéo, trùng lắp, chưa có thể hóa trách nhiệm trong từng khâu, đối với từng chủ thể,... dẫn tới việc thực thi thiếu hiệu lực, hiệu quả.

Mặc dù xác định mục tiêu cần phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng tập trung cho những dự án lớn, có tầm chiến lược cho một giai đoạn phát triển dài của đất nước nhưng tư duy xây dựng kế hoạch vẫn nặng về đáp ứng đầy đủ tất cả nhu cầu dẫn tới dàn trải, thiếu sự tập trung nguồn lực.

“Đột phá” thực chất

Các giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu phát triển KCHTGT đồng bộ, hiện đại trong giai đoạn tới đây được xác định gồm, tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bao gồm: xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các Bộ luật, Luật liên quan, ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật; xoá bỏ các nội dung còn chồng chéo giữa các luật liên quan đến quản lý, huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đất đai, vận tải.

Đồng thời thay đổi cơ bản cả về quan điểm xác định mục tiêu phát triển và quan điểm phân bổ nguồn lực của các ngành, các cấp; đặc biệt ở cấp tham mưu trực tiếp xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển của Bộ GTVT. Trong đó: Cần xác định cụ thể công trình, dự án nào sẽ tạo ra “đột phá” thực sự về phát triển KCHTGT trong mỗi kỳ kế hoạch trung hạn 5 năm và việc thực hiện “đột phá” này cũng phải cơ bản phù hợp với khả năng huy động nguồn lực đất nước. Việc xác định công trình, dự án “đột phá” phải được thực hiện ngay từ khi xây dựng chiến lược phát triển KTXH và các quy hoạch ngành quốc gia. Dự án, công trình đột phá ưu tiên lựa chọn, tập trung đầu tư phải là những dự án lớn có tầm chiến lược của đất nước nói chung, của ngành nói riêng, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển KTXH nhanh và là nền tảng của sự phát triển bền vững, và như vậy phải cơ bản đáp ứng các tiêu chí: đảm bảo tính đồng bộ, khả năng kết nối; tạo điều kiện phát triển các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, đô thị lớn...; gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc đầu tư công; có khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư.

Mỗi kỳ kế hoạch trung hạn cần tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án, công trình “đột phá” để tạo ra sự thay đổi về “chất”, bao hàm đầy đủ các yếu tố hiện đại, đồng bộ của hệ thống KCHTGT đất nước. Ngoài các công trình đột phá, yếu tố ưu tiên thứ hai chính là các công trình, dự án cải tạo các điểm nghẽn, nút thắt về vận tải, điểm đen về an toàn giao thông để đảm bảo hệ thống lưu thông thông suốt, tạo thuận lợi cho đi lại, vận tải của người dân và doanh nghiệp. Đối với các công trình hiện có khác, trong điều kiện nguồn lực cho phép, chỉ tập trung duy tu, bảo trì, sửa chữa cục bộ để đảm bảo khai thác hiệu quả, an toàn.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng 5 Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực GTVT, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển GTVT, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch. Rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ; cá thể hóa trách nhiệm các cơ quan, đơn vị tham gia vào quá trình quản lý, đầu tư xây dựng để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác đầu tư, xây dựng.

Ngoài ra, cần tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, ban hành cơ chế chính sách cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút thêm nhiều nguồn vốn từ bên ngoài, trong đó đặc biệt chú trọng đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển KCHTGT, thu hút các đối tác nước ngoài tham gia đầu tư phát triển KCHTGT. Đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ ở tất cả các khâu từ công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý khai thác, bảo trì KCHTGT, nghiên cứu sản xuất vật liệu mới, giảm giá thành xây dựng, điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện, công nghệ thi công mới; Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật, giảm suất đầu tư và tổng mức đầu tư của dự án./.

Phản hồi

Các tin khác