Hà Giang: Phấn đấu thực hiện tốt nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh
Hà Giang phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 (Ảnh: SN)

Hà Giang phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 (Ảnh minh họa: SN)

Nghị quyết số 39/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang nêu rõ, trong giai đoạn 2021-2025, địa phương phấn đấu đảm bảo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đi đôi với từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Mặt khác, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập, phát triển toàn diện, bền vững các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh.

Đi cùng với đó, Hà Giang hướng đến mục tiêu huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội. Trong đó, tập trung phát triển mạnh về các ngành công nghiệp có lợi thế, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị với các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn và đặc trưng của tỉnh, đồng thời, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn lực, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Cụ thể, đến năm 2025, Hà Giang phấn đấu GRDP  bình quân 8,0%; GRDP bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 55.000 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.000 tỷ đồng; thu hút khách du lịch đạt 3 triệu lượt người.

Ngoài ra, Hà Giang cũng phấn đấu, số xã đạt chuẩn nông thôn mới lũy kế đạt 82 xã; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 100% thôn biên giới có điện đạt tiêu chí nông thôn mới; 100% thôn biên giới có đường đạt tiêu chí nông thôn mới...

Để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Hà Giang cần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước. Hoàn thành công tác lập, trình phê duyệt, tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Nâng cao khả năng phân tích, đánh giá, dự báo về tình hình trong nước, trong tỉnh để chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Đặc biệt, cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tiếp tục đổi mới và cụ thể hóa trên các lĩnh vực về phương án phát triển, tăng năng suất lao động trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, bám sát vào các mục tiêu, đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực của xã hội để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị, ngành mũi nhọn, các công trình quan trọng, thiết yếu, trong đó, trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, cần phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững, nâng cao giá trị thu hoạch/ha cây hằng năm. Khuyến khích phát triển cây có múi, cải tạo vườn tạp, nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại gắn với tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Nhân rộng các mô hình liên kết nâng cao giá trị sản phẩm và hình thành các vùng phát triển nông sản hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến.

Ngoài ra, cần tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, thực hiện tốt công tác xúc tiến quảng bá, mở rộng các hoạt động hợp tác liên kết trong phát triển du lịch, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng du lịch đồng bộ, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng và chuyên nghiệp.

Phản hồi

Các tin khác