Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu
12

Ảnh minh họa (Nguồn: baovinphuc.vn)

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo giữ vững và nâng cao chất lượng nông thôn mới huyện Yên Lạc, giai đoạn 2016 – 2020, địa phương đầu tư trên 1.640 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản; đầu tư xây dựng 65 bãi rác thải, đưa 9 lò đốt rác thải sinh hoạt bằng khí tự nhiên vào hoạt động; xây dựng, cải tạo gần 90 km cống, rãnh thoát nước thải, vượt chỉ tiêu đăng ký.

Đến nay, 100% tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được cứng hóa; hệ thống đường điện cao áp chiếu sáng từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã; 56/56 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 8 trường đạt chuẩn mức độ II. Hệ thống chính trị vững mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Đặc biệt, nhờ kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển và chuyển dịch đúng hướng. Giai đoạn 2015-2020, tổng giá trị sản xuất đạt 10.653 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,2%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 58,3%; dịch vụ chiếm 27,7%; nông – lâm nghiệp, thủy sản chiếm 14%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 67 triệu đồng/người, tăng gần 25 triệu đồng/người so với năm 2015; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 98%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%.

Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình giống cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất tại vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: trồng chuối tiêu hồng, bưởi năm roi ở Liên Châu, Hồng Châu, Nguyệt Đức; trồng bí đỏ ở xã Tề Lỗ, Tam Hồng; trồng cây ăn quả ở xã Trung Kiên, Liên Châu; lúa lai cao sản, đậu tương ĐT 26, cà chua lai ghép, dưa hấu ở các xã: Hồng Châu, Đại Tự …cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/ha.

Nghị quyết Đảng bộ huyện Yên Lạc lần thứ XII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ gắn với phát triển công nghiệp- xây dựng, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt từ 9,0% đến 9,5%/năm; tỷ trọng ngành nông – lâm nghiệp – thủy sản chiếm từ 9,9% đến 13,1%; công nghiệp – xây dựng từ 61,2% đến 64,5%; dịch vụ từ 25,6% đến 25,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 75 - 80 triệu đồng. Riêng về xây dựng nông thôn mới, Yên Lạc xác định xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, tập trung vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu có trên 30% số xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, trên 25% đạt thôn dân cư kiểu mẫu, trên 15% đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, không chạy theo phong trào, không đốt cháy giai đoạn, huyện Yên Lạc đã xác định mục tiêu, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng năm, từng gia đoạn. Chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sức dân cùng tham gia bảo vệ thành quả xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.

Cùng với đó, địa phương khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích người dân chủ động áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng chuyên canh, vùng sản xuất tập trung cho năng suất, chất lượng tốt.

Từng địa bàn tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống đường, trường, trạm; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện sẽ tập trung thực hiện các biện pháp để khơi dậy và làm thay đổi tư duy sản xuất, hình thức sản xuất và ý thức, văn hóa của người dân.

Theo số liệu tổng hợp từ UBND huyện Yên Lạc, đến nay, Liên Châu – xã được chọn làm điểm của cả tỉnh và của huyện đã hoàn thành cả 5 tiêu chí là: Phát triển sản xuất nâng cao đời sống nhân dân; hạ tầng kinh tế - xã hội; giáo dục và đào tạo, văn hóa; hệ thống chính trị, hành chính công và vệ sinh, môi trường. 17 thôn dân cư, gồm: Thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn; Nhân Lý, xã Tề Lỗ; Tân Nguyên, xã Trung Nguyên; Cổ Tích, xã Đồng Cương; Văn Quán, xã Bình Định; thôn Đình, xã Yên Đồng; Yên Lập, xã Yên Đồng; Tam Kỳ 56, xã Đại Tự; Nhật Tiến 2, Nhật Chiêu 1, xã Liên Châu; thôn 10, xã Yên Phương; thôn 7, xã Hồng Phương; Phú Phong, xã Hồng Phương đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành các tiêu chí.

Được biết, Ban chỉ đạo giữ vững và nâng cao chất lượng nông thôn mới nâng cao huyện Yên Lạc đã thành lập 2 đoàn công tác kiểm tra, đánh giá tiến độ đối với các xã, các thôn đăng ký thực hiện xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020 vào các ngày 15,16 và 17/12 này.

Phản hồi

Các tin khác