Quy mô kinh tế đến năm 2019, đã tăng hơn 40 lần và GDP bình quân đầu người tăng gần 30 lần so với năm 1990. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 (đạt 5,91%).
Đối với ngành Công Thương, việc thực hiện các chỉ đạo Bộ Chính trị và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 05-NQ/TW đã được triển khai một cách tích cực, toàn diện và qua đó, đã tạo ra được những chuyển biến một cách rõ nét, thực chất trong phát triển ngành trên nhiều lĩnh vực.
Đầu tiên là chất lượng tăng trưởng của ngành ngày càng được cải thiện, các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển ngành trong giai đoạn 2016-2020 cơ bản đạt mục tiêu đề ra: Tốc độ tăng trưởng bình quân công nghiệp ước tăng 7,1% (vượt mục tiêu đặt ra 6,5 - 7,0%/năm); điện sản xuất tăng trưởng bình quân đạt 11,04% (cao hơn mục tiêu đề ra); tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân ước đạt 10,5% (cao hơn mục tiêu hằng năm do Quốc hội và Chính phủ giao là 7-8%); nhập khẩu kiểm soát tốt (tỷ trọng nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát chỉ còn chiếm tỷ trọng 6,8% vào năm 2019); thị trường trong nước ngày càng được mở rộng với tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng cao khoảng 9,1%; trong đó thương mại điện tử phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 27%/năm; Công tác hội nhập quốc tế về kinh tế được tăng cường với 02 Hiệp định thương mại thế hệ mới quan trọng đã được ký kết (CPTPP và EVFTA); Các ngành công nghiệp lớn (điện tử, dệt may, da giày…) tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và từng bước hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành ngày càng đi vào thực chất và hướng vào lõi công nghiệp hóa. Công nghiệp phát triển theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo (từ 13,7% năm 2015 lên 16,48% năm 2019 trong GDP) và giảm dần ngành khai khoáng (từ 9,6% năm 2015 xuống 6,72% năm 2019 trong GDP); Ngành điện có sự chuyển dịch mạnh theo hướng sử dụng năng lượng xanh và sạch hơn với tổng công suất của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đã chiếm xấp xỉ 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện; tổn thất điện năng ngày càng giảm, từ mức 10,15% vào năm 2010 còn 7,04% vào năm 2018 và năm 2019 giảm còn 6,5% (vượt mục tiêu là dưới 8%).
Xuất khẩu cũng chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 85% năm 2019) và giảm dần các ngành khoáng sản (chỉ còn 1,2% vào năm 2019) và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao (tăng từ 22,9% vào năm 2011 lên 41,4% năm 2015, 49,5% vào năm 2019); tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng từ 28,5% năm 2016 lên 31,4% năm 2019.
Công tác kết nối cung cầu đã được thực hiện tốt, góp phần bình ổn giá trên thị trường, đảm bảo đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát thông qua việc gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc với sự lớn mạnh của hàng hóa Việt; Quản lý, đảm bảo trật tự thị trường nội địa được củng cố, từng bước đảm bảo kiểm soát các hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chất lượng và giá sản phẩm, an toàn thực phẩm; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, các cân đối lớn của ngành cơ bản được đảm bảo đó là cân đối ngoại thương đạt thặng dư liên tục trong suốt thời kỳ kế hoạch và ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục trong năm 2019 với 10,87 tỷ USD (đạt vượt mức chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao hằng năm là thâm hụt thương mại dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu); Cân đối cung – cầu năng lượng cơ bản được đảm bảo, ngành dầu khí đáp ứng 75-80% nhu cầu về các sản phẩm xăng dầu trong nước và mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia; ngành điện cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của người dân với độ tin cậy của cung cấp nguồn điện và lưới điện với chất lượng ngày càng được cải thiện; Cân đối cung cầu hàng hóa trong nước cơ bản được thực hiện tốt, góp phần bình ổn giá trên thị trường, đảm bảo đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Đặc biệt, công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường đã được tập trung hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển, chuyển dịch mô hình nhà nước quản lý các ngành kinh tế bằng pháp luật, quản lý qua các tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật của hàng hóa, quy hoạch sản xuất mà không có nhiều rào cản lớn về hành chính cũng như pháp lý. Theo đó, Bộ đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một số Luật quan trọng trực tiếp đối với các ngành Công Thương như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Khoáng sản; Luật Điện lực; Luật Quản lý Ngoại thương; Luật Cạnh tranh sửa đổi; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Pháp lệnh Quản lý thị trường, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ,…
Qua đó đã hình thành được một khung khổ cơ bản các Bộ luật điều chỉnh mọi mặt của nền kinh tế và tạo thuận lợi cho phát triển ngành Công Thương, góp phần hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh, đảm bảo khung pháp lý ổn định, minh bạch cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành. Đây là thành tựu quan trọng và nổi bật của việc thực hiện đường lối và chính sách hội nhập được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đến nay, đã có hơn 70 quốc gia trên thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Trong thời gian tới, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ngành Công Thương quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 05-NQ/TW, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, làm tiền đề để đất nước phát triển nhanh và bền vững./.
K.D