Ngành Nông nghiệp đạt nhiều thành tựu trong giai đoạn 2016-2020
Giá trị xuất khẩu nông sản năm 2020 dự kiến đạt 41 tỷ USD (Ảnh: BT)

Giá trị xuất khẩu nông sản năm 2020 dự kiến đạt 41 tỷ USD. (Ảnh: BT)

Nhiều thành tựu nổi bật trong giai đoạn 2016-2020

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện các nhiệm vụ của ngành trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, ngành đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Đây là những minh chứng sống động cho việc hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước của ngành NN&PTNT. Đây cũng là giai đoạn, ngành NN&PTNT hướng đến mục tiêu tổng quát tiếp tục phát triển trên các trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường, phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng bền vững; nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Qua đó, góp phần cải thiện tốt hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 5 năm qua, triển khai thực hiện các mục tiêu, mặc dù  phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt về thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… nhưng toàn ngành đã phấn đấu vượt qua khó khăn, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy phát triển sản xuất và cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đây, ngành NN&PTNT nỗ lực tổ chức lại sản xuất theo chuỗi và cơ cấu lại sản phẩm nông lâm thủy sản theo các trục sản phẩm chủ lực: sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm chủ lực địa phương. Đồng thời, tập trung phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh xuyên biên giới và hạn chế các tác động do thiên tai gây ra, đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Nhờ vậy, 5 năm qua, ngành NN&PTNT nước ta đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả quan trọng. Đến hết năm 2020, 15/15 chỉ tiêu mà Đảng, Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT đều đã đạt và vượt, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng như về: tăng trưởng của GDP, xuất khẩu nông lâm thủy sản, tỷ lệ các xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Cụ thể, về nông nghiệp, đã cơ cấu lại ngành, phát triển trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng miền, sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển nhanh, công nghệ cao được quan tâm áp dụng để giảm chi phí và nâng cao giá trị gia tăng.

Đồng thời, 5 năm qua ghi nhận thị trường nông sản được mở rộng ở cả trong nước và thị trường quốc tế, xuất khẩu nông sản của nước ta đã đứng top cao trong khu vực Đông Nam Á và thứ hạng cao trên thế giới. Nông sản của Việt Nam đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2020, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản dự kiến đạt khoảng 41 tỷ USD.

Về nông dân, đã phát huy vai trò chủ thể của người dân, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Thu nhập của người dân nông thôn ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao.

Về nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã về đích trước 1,5 năm so với mục tiêu Quốc hội giao. Nông thôn khang trang, xanh, sạch đẹp hơn, hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa giáo dục y tế được quan tâm đầu tư đồng bộ. Trong 5 năm (2016 – 2020), chương trình xây dựng nông thôn mới đã đánh dấu một bước chuyển căn bản về chất, như: Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Hết năm 2020 ước có trên 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 165/664 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cao hơn so với mức 15 đơn vị của năm 2015 (tăng 150 đơn vị).

Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2016-2020, ngành NN&PTNT đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng 1 Huân chương Sao Vàng, 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 tập thể được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”, 6 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, 199 tập thể được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ, 2 Huân chương Độc lập, 538 Huân chương Lao động các hạng, 904 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai chương trình xây dựng Nông thôn mới, ngành NN&PTNT đã về đích trước 1,5 năm so với tiến độ mục tiêu đề ra (Ảnh: ĐH)

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, ngành NN&PTNT đã về đích trước 1,5 năm so với tiến độ mục tiêu đề ra (Ảnh: ĐH)

Tập trung triển khai thực hiện hai chương trình lớn

Trước bối cảnh và yêu cầu mới, để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua, ngành NN&PTNT xác định tiếp tục tái cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và tăng khả năng cạnh tranh của nông sản. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập bình quân cho người dân ở khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Để triển khai mục tiêu trên, thời gian tới, toàn ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, tiếp tục cơ cấu lại các trục sản phẩm, cơ cấu lại theo lĩnh vực và cơ cấu lại theo vùng. Để làm được điều này, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp, người nông dân trực tiếp sản xuất. Đồng thời, ngành NN&PTNT xác định không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực chuyên môn, phát huy truyền thống đoàn kết, để phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Cụ thể, để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện 2 chương trình lớn gồm: tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng và phục vụ xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp theo chuỗi (bao gồm cả hạ tầng sản xuất nông nghiệp và hạ tầng chế biến, thương mại, dịch vụ nông nghiệp, kết nối giữa hạ tầng nông nghiệp với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ để kết nối liên ngành, liên vùng).

Cùng với đó, phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và quản trị ngành; phát triển thị trường công nghệ nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ quản lý ngành; hài hoà hoá tiêu chuẩn khu vực, quốc tế để thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu.

Phát triển, tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản, kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu với mục tiêu chung là tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản cho nông dân. Nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam ở thị trường nội địa và quốc tế. Tận dụng tốt cơ hội của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

Ngoài ra, tập trung xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường…/.

Phản hồi

Các tin khác