(ĐHXIII) - Chú trọng các giải pháp phòng ngừa bằng việc công khai, minh bạch cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính; chú trọng kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, đồng thời xử lý nghiêm sai phạm… Chính là những điểm nhấn trong công tác phòng, chống tham nhũng của TP. Hà Nội thời gian qua.
Thời gian qua, Hà Nội xác định công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài và gắn bó chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, ngay sau khi Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy đã ban hành 8 chương trình công tác.
Trong đó, có Chương trình số 7 về “Nâng cao hiệu quả về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 20216-2020”. Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và bước đầu đạt một số kết quả.
Cụ thể, đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Thành phố chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều sai phạm. Theo đó, đã kiểm tra có dấu hiệu vi phạm 903 tổ chức Đảng, 2.687 đảng viên và kết luận 617 tổ chức Đảng, hơn 2.000 đảng viên có vi phạm; thi hành kỷ luật 32 tổ chức Đảng, 962 đảng viên. Triển khai 2.482 cuộc thanh tra và phát hiện xử lý vi phạm, kiến nghị thu hồi 2.450 tỷ đồng, 1,55 ha đất; xử lý trách nhiệm 417 tập thể và 622 cá nhân vi phạm; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 42 vụ việc.
Cùng với đó, thời gian qua, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, công khai minh bạch các hoạt động kinh tế-xã hội và công tác cán bộ; quy trình, thủ tục giải quyết công việc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Tính đến nay, Hà Nội đang có khoảng 1.500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Qua đó giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức thụ lý hồ sơ..., ngăn chặn biểu hiện “xin cho”, giảm tình trạng “tham nhũng vặt”.
Hà Nội cũng chọn những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý sử dụng trụ sở, đất đai, tài sản của Nhà nước; quy hoạch, đất đai… để kiểm tra, giám sát thường xuyên. Kiên quyết xử lý các vi phạm, chuyển ngay sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh tế, tham nhũng.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, ngay sau Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Chương trình hành động và 10 chương trình công tác. Trong đó, có Chương trình số 10 về “Nâng cao hiệu quả về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2020-2025” nhằm huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân quyết tâm hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, xác định, tăng cường tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nâng cao nhận thức trách nhiệm, kiên trì nâng cao văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng gắn với hai quy tắc ứng xử do Thành phố ban hành.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy chế, quy định của thành phố trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và bảo đảm công khai, minh bạch trên các lĩnh vực. Thực hiện công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình trong các hoạt động công vụ.
Đồng thời, tập trung phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc tham nhũng với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong phòng, chống tham nhũng và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, nhân dân trong phòng, chống tham nhũng của Hà Nội./.
Tiến Trọng