VCPMC áp dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực hoạt động

Theo báo cáo của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, trong năm 2020, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, doanh thu lĩnh vực biểu diễn sụt giảm, nhưng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) đạt hơn 150 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019. Cũng trong năm 2020, Trung tâm đã thực hiện 4 đợt chi trả với số tiền khoảng 107,5 tỷ đồng cho các chủ sở hữu quyền tác giả. Vượt lên khó khăn chung, hoạt động của VCPMC trong năm 2020 vẫn được duy trì ổn định và ghi nhận những bước phát triển mới.

Năm 2020, VCPMC tiếp tục mở rộng hợp tác song phương với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả trên thế giới. Cho tới thời điểm này, VCPMC đã ký hợp đồng song phương với 81 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) trên thế giới, số lượng hợp đồng ký kết tăng khoảng 10% so với năm 2019. Các CMOs mới ký trong năm 2020 bao gồm: SAZAS (Slovenia), STEF (Ireland), RSAU (Rwanda), SAYCE (Ecuador), BSCAP (Belize), UNISON (Tây Ban nha).

Họp báo tổng kết VCPMC tại Hà Nội.

Họp báo tổng kết VCPMC tại Hà Nội.


Năm 2020, số lượng thành viên ký hợp đồng uỷ quyền tại VCPMC trong là 276 tác giả. Tổng số thành viên viên ký hợp đồng uỷ quyền tại VCPMC đến nay là 4.540 tác giả.

Do ảnh hưởng của dịch COVID, hàng loạt lĩnh vực hoạt động truyền thống của VCPMC như nhạc sống, nhạc nền bị sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, với việc mạnh dạn chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0, tập trung nhân lực, kỹ thuật vào các lĩnh vực truyền thông, truyền hình nên hoạt động cấp phép vẫn giữ được đà tăng trưởng.

Ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, ngoài lý do dịch bệnh khiến hoạt động biểu diễn tê liệt trong một thời gian dài, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn thường xuyên tìm cách né tránh, thậm chí công khai thách thức, không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, hoặc lợi dụng nguyên tắc thỏa thuận để trì hoãn việc trả tiền nhuận bút, dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra khá thường xuyên trong thời gian qua, điển hình ở các show diễn quy mô lớn và có doanh thu/giá vé cao.

Một số doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực karaoke gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm (do công nghệ thay đổi) nên xảy ra tình trạng hợp đồng bị chậm thanh toán, nợ đọng hoặc phải thanh lý trước thời hạn. Nhiều vụ việc đã phải đưa ra giải quyết tranh chấp tại Tòa án và thông qua các phiên hòa giải để giải quyết tranh chấp hợp đồng về chậm thanh toán.

Trong năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm của VCPMC là đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực hoạt động, từ phương thức đo đếm số lượng và lượt sử dụng tác phẩm trong các môi trường khác nhau đến cung cấp thông tin phân phối cho các tác giả thành viên.

Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam thu hơn 150 tỷ đồng trong năm 2020

Ảnh minh họa.

Tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương trong công tác tập huấn, tuyên truyền, thực thi bảo hộ quyền tác giả.

Áp dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật, khởi kiện và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với các trường hợp cố ý làm trái quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ về thực hiện nghĩa vụ “xin phép và trả tiền” khi sử dụng quyền tác giả.

Chú trọng công tác chăm sóc, phát triển hội viên, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các tác giả thành viên; đẩy nhanh tiến độ ký các hợp đồng ủy quyền theo mẫu hợp đồng ủy quyền mới, củng cố cơ sở pháp lý nhằm quản lý khai thác và bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả thành viên VCPMC.

Cập nhật, bổ sung biểu mức nhuận bút nhằm phù hợp với sự thay đổi của công nghệ và các lĩnh vực sử dụng âm nhạc trên thực tế nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của các tác giả, báo cáo thông qua ý kiến cơ quan chủ quản là Hội Nhạc sĩ Việt Nam để triển khai, thực hiện.

Từng bước triển khai sáng kiến cấp phép chung (Joint Licensing) và kế hoạch phối hợp với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

Cử nhân sự đi dự các khóa tập huấn, đào tạo, hội thảo ở nước ngoài để đáp ứng yêu cầu công việc nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

 

Phản hồi

Các tin khác