Một số kết quả nổi bật sau 5 năm triển khai (2015-2020)
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị được các bộ ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị quan tâm triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong Chi bộ; cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ các tỉnh, thành uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW.
Công tác xây dựng và ban hành văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã bám sát nội dung Chỉ thị, đảm bảo chất lượng, đúng thẩm quyền, thông qua kế hoạch, chương trình hành động, các văn bản chỉ đạo có liên quan, các cấp uỷ, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của tín dụng chính sách xã hội, có ý thức trách nhiệm và thực hiện tốt nghĩa vụ của người vay vốn.
Các cấp uỷ đảng từ Trung ương đến địa phương, chính quyền các cấp đã coi việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên, thể hiện qua việc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định triển khai thực hiện Chỉ thị; các tổ chức chính trị - xã hội ban hành văn bản hướng dẫn, quán triệt và chỉ đạo các cấp hội thực hiện các nội dung của Chỉ thị có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hội; ban cán sự Đảng các bộ, ngành chỉ đạo bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ với các chủ trương, quan điểm đề ra tại Chỉ thị để tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ trong cả nước; cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương các cấp ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác tín dụng chính sách xã hội sau khi Chỉ thị ban hành, chủ động bố trí ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), gắn việc huy động và sử dụng nguồn vốn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện và Hội đồng quản trị các cấp, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng vốn vay.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác đã chủ động thực hiện vai trò tập trung lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với công tác tín dụng chính sách xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội ưu tiên triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW như một giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động và công tác dân vận ở cơ sở; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chất lượng của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); tập trung hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn theo quy định; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn nợ quá hạn; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện việc tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào NHCSXH; ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội, thông qua việc: Quốc hội ban hành kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm, trung hạn và dài hạn; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; các bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình đã ban hành các thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính đối với NHCSXH, theo hướng tăng tính chủ động, bảo đảm hiệu quả cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội và hoạt động của NHCSXH, qua đó làm giảm “gánh nặng” ngân sách nhà nước trong cấp bù lãi suất và phí quản lý cho NHCSXH.
Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính và chỉ đạo của Chính phủ và trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Trung ương đều tiếp tục dành một phần ngân sách và tăng hàng năm để cho vay các đối tượng chính sách xã hội, cùng với ban hành cơ chế đặc thù và quy chế quản lý, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Một số tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia vẫn bố trí đủ nguồn lực để cho vay các đối tượng này.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành thông tư hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Các quy định trên làm căn cứ để hàng năm các địa phương rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, qua đó xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, cũng như chính sách tín dụng xã hội.
Hội đồng quản trị, ban đại diện hội đồng quản trị các cấp đã được kiện toàn, chất lượng hoạt động ngày càng nâng cao. Tổ chức đảng thuộc Đảng bộ NHCSXH được kiện toàn, phù hợp với mô hình hoạt động, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ đối với hoạt động của NHCSXH, trong đó có việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Ban đại diện HĐQT các cấp đã làm tốt hơn chức năng quản trị các hoạt động của NHCSXH, kịp thời ban hành các nghị quyết, chủ trương, chính sách, quy định, quy chế tổ chức và hoạt động của NHCSXH, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội. NHCSXH đã chủ động nâng cao hiệu quả phương thức uỷ thác cho các tổ chức chính trị - xã hội như ký lại văn bản thoả thuận về uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác. Tăng cường hoạt động tại các điểm giao dịch cấp xã. Bước đầu đưa các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ mang lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện được tăng cường. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, số lượt người được vay vốn tín dụng ngày càng nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là những vùng nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến với những đối tượng dễ bị tổn thương; là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
|
Tín dụng chính sách giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả (Ảnh: NHCSXH)
|
Vẫn còn khó khăn, thách thức
Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ rõ, còn tồn tại một số mặt hạn chế trong triển khai Chỉ thị, đó là: Một số địa phương công tác tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 40-CT/TW nói riêng; chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách nhìn chung chưa thực sự rộng rãi, thường xuyên, kịp thời, phù hợp. Nhận thức của một số cấp ủy cơ sở về tín dụng chính sách xã hội chưa đầy đủ, chưa xem đây là nhiệm vụ lãnh đạo của cấp ủy, do vậy một số cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo còn chậm trễ; chưa đưa việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, chủ yếu giao cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đặc biệt trong thời gian đầu ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW. Một số địa phương cấp ủy không đứng ra tổ chức hội nghị sơ kết Chỉ thị số 40-CT/TW58. Việc chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội dẫn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị chưa sâu sát, chưa có biện pháp cụ thể và tích cực để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.
Một số nơi các cấp ủy đảng, chính quyền chưa sát sao, chỉ đạo thường xuyên rà soát bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đối với các trường hợp hộ bị rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai, có nguy cơ tái nghèo để có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Việc chỉ đạo điều hành phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách chưa thật sự gắn kết, hiệu quả, đồng bộ. Quy mô đầu tư còn nhỏ lẻ, mang tính hộ gia đình, chưa có nhiều chương trình, dự án liên kết.
Việc chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tổ chức huy động sự đóng góp của tổ chức xã hội, các doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế trong khi nguồn lực ngân sách nhà nước có hạn; chưa đáp ứng được nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Tại một số địa bàn, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác có nơi còn chưa thực hiện thường xuyên hoặc có kiểm tra nhưng chưa sâu, chất lượng kiểm tra chưa cao. Một số lãnh đạo Hội cấp tỉnh, huyện tham gia Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát theo quy định; việc lồng ghép phổ biến kiến thức hỗ trợ gia đình phát triển sản xuất còn hạn chế.
Còn hiện tượng họp bình xét cho vay chưa đúng quy định. Việc thu lãi hàng tháng có lúc, có nơi còn chưa kịp thời. 58 Hội nghị sơ kết tại 17 tỉnh, thành phố không phải do Tỉnh ủy tổ chức mà do UBND tỉnh tổ chức, Phó Chủ tịch tỉnh chủ trì.
Cán bộ lãnh đạo các hội cơ sở chưa đồng đều, kiêm nhiệm, thay đổi sau các kỳ đại hội, cũng là hạn chế trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội chưa được như mong muốn.
Chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nguyên nhân của những khó khăn, tồn tại trên được nhìn nhận từ khách quan và cả chủ quan. Theo đó, về khách quan, diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, mưa lũ, sạt lở đất, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của một bộ phận người dân, đặc biệt hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Về chủ quan, mức độ đầu tư vốn của nhà nước so với kế hoạch và yêu cầu nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu giảm nghèo nói chung và tín dụng chính sách xã hội nói riêng còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tích cực triển khai, thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW; chưa xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, chưa chú trọng tới việc chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Thiếu cơ chế chỉ đạo, phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ, huấn luyện, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong toàn quốc cũng như trên từng địa bàn, đặc biệt là địa bàn cấp xã.
Có thể thấy, Chỉ thị số 40 -CT/TW đã thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn. Điều này được lý giải là do nhiệm vụ đề ra tại Chỉ thị được xuất phát từ cơ sở, phản ánh nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chủ động phối hơp của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội đoàn thể và tinh thần trách nhiệm của NHCSXH.
Việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW cho thấy ngoài ý nghĩa kinh tế, Chỉ thị đã mang lại ý nghĩa chính trị và xã hội to lớn góp phần tạo dựng niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đặc biệt đối với nhóm người dễ bị tổn thương; Tăng cường tính chủ động, sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của người thụ hưởng chính sách; và góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình, gắn kết nhân dân với nhân dân, nhân dân với Đảng, nhân dân với các hội đoàn thể, giữa các hội đoàn thể với nhau; giúp chính quyền nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân thông qua giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, bức xúc của nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương, làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, người dân yên tâm sản xuất, gắn bó với thôn, bản, làng, xã có cuộc sống ổn định, đời sống được nâng cao và (v)- Góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội và đẩy lùi tình trạng tín dụng đen.
Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương khác nhau thì kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW mang lại cũng khác nhau; địa phương nào tích cực thực hiện, triển khai tốt Chỉ thị số 40-CT/TW thì địa phương đó có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động tín dụng chính sách có đặc thù riêng, phản ánh tính nhân văn, tính xã hội chủ nghĩa, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; phù hợp với tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ địa phương đến Trung ương; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, là bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính.
Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Chỉ thị số 40-CT/TW với tinh thần khắc phục những hạn chế, yếu kém; phát huy mặt mạnh, rút ra bài học kinh nghiệm quý báu và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến thành công, phù hợp với từng địa phương, từng lĩnh vực./.
Lê Anh