Người dân đã thực sự trở thành chủ thể của phong trào thi đua

Dấu ấn từ 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động

Tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2016 - 2020), đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đến nay, công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần là động lực trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố tổ chức của hệ thống chính trị vững mạnh. Thể chế về TĐKT ngày càng được hoàn thiện.

 Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, công tác thi đua khen thưởng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần là động lực trong phát triển kinh tế, xã hội.

Phong trào thi đua yêu nước được đổi mới về nội dung, hình thức, ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn; đặc biệt, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đã trở thành nòng cốt, trọng tâm trong các phong trào thi đua của cả nước. Thi đua đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực trong 5 năm qua. Công tác khen thưởng được kịp thời, đúng thành tích, đúng đối tượng, có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc; khen thưởng thành tích kháng chiến được tập trung giải quyết cơ bản dứt điểm.

Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực tiếp tục phát triển sâu rộng, nhất là từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam; thực hiện lời dạy của Bác “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các ngành, các cấp và nhân dân cả nước đã ra sức thi đua phấn đấu, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra, kiểm soát được đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đã trở thành nòng cốt trong phong trào thi đua của cả nước, được các cấp, các ngành, các địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia. Trong đó, phong trào có hiệu quả thiết thực nhất và để lại dấu ấn, làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của nông thôn Việt Nam trong thời gian qua là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, với nhiều mô hình mới, sáng tạo được thực hiện hiệu quả  từ 1 đến 1 vài địa phương đã lan tỏa ra cả nước như: Mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) xuất phát từ tỉnh Quảng Ninh được nhân rộng thành chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2018 - 2020; mô hình “Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, “Vườn mẫu” tại tỉnh Hà Tĩnh ,...

Phong trào “Sáng, xanh, sạch đẹp” của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; phong trào “Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 04 nhà” của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ; phong trào “Điểm sáng biên giới”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự ở khu vực biên giới” của các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc; phong trào “Làng quê không rác thải”, “Đường hoa thay cỏ dại” ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên;...

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước và toàn xã hội, người dân đã thực sự trở thành chủ thể của phong trào thi đua với những việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong 10 năm, đã có hàng vạn hộ gia đình tự nguyện hiến gần 45 triệu m2 đất, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng và gần 60 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi ở địa phương, góp phần về đích sớm gần 02 năm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020. Đó là 61% xã, 26% đơn vị cấp huyện và 12 tỉnh, thành phố có 100% xã về đích nông thôn mới; một số nơi đã xây dựng được mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đang nhân rộng để phấn đấu đến 2025 đạt 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu như dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của các hộ gia đình đã được triển khai ở tất cả các vùng, miền, địa phương trong cả nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước xuống dưới 3%; so với đầu nhiệm kỳ có 32,5% xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 50% huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được triển khai hiệu quả, khuyến khích khởi nghiệp, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Trong 5 năm qua, có hơn 630.000 doanh nghiệp thành lập mới và ngày càng nhiều các doanh nghiệp đạt các danh hiệu "Doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ công nhận Thương hiệu quốc gia", "Doanh nghiệp vì người lao động"...

Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trách nhiệm, chuyên nghiệp, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Sáng tạo thi đua trong từng lĩnh vực

Trên 2000 đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X 

Trong lĩnh vực kinh tế: Các ngành Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải đã tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quản lý. Đẩy mạnh thi đua nước rút, thi đua liên kết trên các dự án trọng điểm quốc gia, góp phần sớm hoàn thành các công trình, đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội cho đất nước… Phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, áp dụng khoa học, kỹ thuật, tạo bước chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương thực hiện tốt việc doanh nghiệp liên kết với nông dân, dồn điền, đổi thửa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phong trào thi đua trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế hoạch đầu tư được đẩy mạnh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được mức tăng trưởng khá. Phong trào thi đua trong lĩnh vực khoa học, công nghệ như: “Đổi mới, sáng tạo, đưa nhanh khoa học và công nghệ vào cuộc sống” đã góp phần nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều công trình, kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội: các phong trào thi đua rất phong phú, đa dạng và lan tỏa mạnh mẽ, nhất là những lúc đất nước gặp khó khăn, nơi đâu và lúc nào cũng luôn có những tấm lòng nhân ái cao cả, thầm lặng cống hiến và cho đi vì cuộc sống và hạnh phúc của con người. Tiêu biểu là các phong trào thi đua của ngành Y tế, Giáo dục; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, "Công dân Thủ đô ưu tú" của Hà Nội, "Những tấm gương thầm lặng và cao cả" của Thành phố Hồ Chí Minh...

Đặc biệt, thời gian vừa qua, với tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, nhân dân cả nước đã chung tay, góp sức, cùng hỗ trợ, sẻ chia với đồng bào, người dân miền Trung bị thiệt hại nặng nề của bão lũ. Trong phòng, chống dịch COVID - 19 với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ” từ cụ già đến em nhỏ đều ý thức tham gia, đi đầu là những chiến sĩ áo trắng hết lòng với những ca bệnh; các cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, dân phòng, tình nguyện viên tham gia việc cách ly, đã tạo nên những lá chắn thép không để bệnh dịch lan ra cộng đồng. Các phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, lao động, phát thanh truyền hình ngày càng phát triển, điển hình là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được công nhận di sản văn hóa thế giới, nhiều cuộc thi sáng tạo khoa học, giáo dục, đào tạo nghề, thể thao đạt thành tích cao ở các đấu trường quốc tế. Điển hình là cả 2 đội bóng đá nam và nữ đều giành vô địch tại Seagames 30.

Phong trào "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong các lực lượng vũ trang đã góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, cũng lần đầu tiên Việt Nam cử sĩ quan quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Phong trào thi đua trong các cơ quan của Quốc hội, khối tư pháp, nội chính, như "Nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ Quốc hội", "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư", "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, "Đồng thuận, vượt khó",... đã tạo khí thế thi đua góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, giám sát và thực thi pháp luật, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong lĩnh vực đối ngoại, đã tổ chức hiệu quả phong trào thi đua với chủ đề “Giữ vững môi trường hòa bình, hội nhập quốc tế hiệu quả, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào thi đua trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về xây dựng quê hương, đất nước. Qua đó góp phần tạo nhiều dấu ấn ngoại giao quan trọng, đảm nhiệm thành công vai trò nước chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2…

Thi đua xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh

Phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền đã góp phần củng cố hệ thống chính trị và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nổi bật là phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các phong trào “Dân vận khéo”, “Sáng tạo, chủ động, tích cực, đoàn kết”, “Năng suất - Chất lượng - Hiệu quả - Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Văn phòng Trung ương Đảng), phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, tận tuỵ, sáng tạo, gương mẫu” trong các cơ quan Đảng, Nhà nước đã mang lại kết quả thiết thực.

Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiến tiến 

Nổi bật là phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với cách làm sáng tạo, hướng về cơ sở, tiêu biểu như: Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Phong trào công nhân “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm”. Phong trào nông dân “Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, thanh niên “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, "Sống tốt đời, đẹp đạo", "Đồng hành cùng dân tộc",...

“Có thể nói, các phong trào đua trong giai đoạn 2016 - 2020, với tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật” – đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định.

Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiến tiến. Trong 5 năm qua, đã khen tặng 343.727 Huân, Huy chương; 25.920 danh hiệu vinh dự Nhà nước (trong đó bao gồm cả Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sĩ, Nghệ nhân ưu tú, nhân dân); 28 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 73 Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 308 Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh và 380 Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tại Đại hội này, có 2020 đại biểu là những điển hình tiên tiến xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực và đại diện cho các tổ chức, cá nhân được khen thưởng trong nhiệm kỳ qua. Trong đó 60% là những người trực tiếp đang lao động, học tập trên cá lĩnh vực; 24% đại biểu nữ; 19,5% đại biểu trẻ và 9,6% đại biểu các dân tộc thiểu số. Đây là những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa thi đua yêu nước của đất nước trong 5 năm qua./.


Phản hồi

Các tin khác