(ĐHXIII) - Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thời gian qua, hệ thống Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở đang ngày càng thể hiện vị trí, vai trò trong huy động nguồn lực, tạo sự đồng thuận xã hội và phát huy vai trò chủ thể của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn.
Với vùng đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí không đồng đều, hệ thống Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở tại các địa bàn đặc biệt khó khăn đã phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, Bộ đội Biên phòng tổ chức các hoạt động tuyên tuyền về xây dựng nông thôn mới đến từng hộ gia đình. Đồng thời, đưa các tiêu chí thực hiện xây dựng nông thôn mới vào thực hiện trong các hương ước, quy ước; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân bằng tiếng dân tộc và thông qua việc thực hiện nghi thức văn hóa của cộng đồng. Qua đó, làm cho mỗi người dân hiểu được ý nghĩa, giá trị và mức hưởng thụ từ kết quả của xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc cơ sở còn tập trung hướng dẫn nhân dân chỉnh trang khuôn viên nhà ở, xử lý rác thải, xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp,… Phát huy giá trị tiềm năng của thiên nhiên, mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm để phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Cụ thể, để hỗ trợ nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, Mặt trận Tổ quốc cơ sở đã phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức hiệu quả các diễn đàn “Mặt trận lắng nghe ý kiến nhân dân” để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; vận động, hướng dẫn nhân dân bỏ dần những tập quán lạc hậu, thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách phù hợp, hiệu quả, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, biết tự lực vươn lên khắc phục khó khăn, nâng cao giá trị sản phẩm trong sản xuất.
Từ đây, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, Mô hình “Làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 - 10 triệu đồng”, “Mỗi hộ có 1 vườn rau xanh và cây ăn trái”…Qua đó, nhận thức của người dân đã thay đổi, từ trông chờ, ỷ lại sang chủ động, tự tin tham gia vào xây dựng nông thôn mới; hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư từng bước thay đổi diện mạo địa bàn khó khăn, đồng thời, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Đi cùng với đó, xác định việc phát huy giá trị cộng đồng trong đồng bào các dân tộc là yếu tố then chốt quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn khó khăn, Mặt trận Tổ quốc cơ sở và Ban công tác Mặt trận, chi hội, chi đoàn ở các thôn, bản đã phát huy hiệu quả sự gắn kết cộng đồng thông qua từng bước thay đổi các giá trị văn hóa, nếp sống, phong tục tập quán, phát triển kinh tế theo hướng tích cực trong mỗi cộng đồng. Từ những thay đổi trong nếp nghĩ cách làm, đồng bào các dân tộc đã hình thành nên các mô hình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ nhau phát triển thế mạnh từ cây lâm nghiệp, cây dược liệu, thảo quả; dồn điền đổi thửa, hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả... tạo nên những giá trị thoát nghèo bền vững cho cộng đồng.
Tại mỗi địa bàn, Mặt trận Tổ quốc cơ sở và Ban công tác Mặt trận đã kiến nghị, đề xuất thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đột xuất, đảm bảo an sinh xã hội, không để người nào bị thiếu đói không được trợ giúp. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, “Mái ấm tình thương” và trợ giúp gia đình người có công, người gặp hoàn cảnh khó khăn đạt kết quả cao.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc cơ sở đã không ngừng góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo; xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần bố trí đủ nguồn vốn triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách do Trung ương ban hành cho vùng dân tộc và miền núi nhằm đảm bảo tập trung, tránh dàn trải.
Mặt khác, cần ban hành Đề án tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. Trong đó cần tăng cường tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất, đang dạng hóa sản phẩm, tạo sinh kế bền vững; quan tâm đến chính sách vay vốn phát triển sản xuất; đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, cần nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đặc biệt khó khăn như: chính sách phát triển sản xuất, thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ phát triển “Mỗi xã một sản phẩm”, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Tập trung ưu tiên nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển cơ sở hạ tầng đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc trên các địa bàn khó khăn./.
Minh Hương