Lan tỏa phong trào thi đua "Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà"

Công đoàn NHVN được trao tặng Cờ Thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Ảnh: Đ.K)

Lồng ghép phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” với các phong trào khác của Ngành

Phong trào phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ là sự tiếp nối truyền thống tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ năm 1989. Trải qua hơn 30 năm, phong trào đã ngày càng khẳng định được ý nghĩa và giá trị to lớn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, nhất là thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phong trào đã trở thành nét đẹp truyền thống trong nữ CNVCLĐ nói chung và nữ CNVCLĐ ngành Ngân hàng nói riêng, góp phần khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, lao động nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, vì mục tiêu bình đẳng giới.

Hàng năm, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản, chỉ đạo, Nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Tổng Liên đoàn như: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình… được được Công đoàn Ngân hàng Việt Nam triển khai tích cực, đầy đủ trên cơ sở lồng ghép trong các nội dung, chương trình trọng tâm công tác và được thực hiện xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở, phù hợp với thực tế của mỗi cấp cũng như mỗi đơn vị.

Công đoàn Ngân hàng Việt Nam còn chú trọng tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, công đoàn các cấp trong hệ thống đã tiến hành lồng ghép phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” với các phong trào khác của Ngành gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”…

Tích cực đẩy mạnh và làm tốt công tác nêu gương, tổ chức biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến về những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực, các phong trào thi đua.

Trong 5 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH, Chỉ thị 03/CT-TLĐ và Kết luận 147/KL-TLĐ của Tổng Liên đoàn luôn được các cấp công đoàn trong ngành Ngân hàng quán triệt triển khai, thực hiện tốt.

Tính chung toàn hệ thống Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, số cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành công đoàn các cấp gần đạt chỉ tiêu 30% trong tổng số. Hầu hết các đơn vị trong Ngành đều đáp ứng cơ cấu cán bộ lãnh đạo chủ chốt công đoàn là nữ (giữ các vị trí chủ chốt: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra công đoàn). Nhìn chung, trong mỗi nhiệm kỳ hoạt động, cán bộ công đoàn các cấp nói chung, cán bộ nữ công công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đều được tham gia tập huấn nghiệp vụ ít nhất 1 lần, trong đó có chuyên đề về công tác nữ công…

Các cấp công đoàn thuộc ngành Ngân hàng đã tuyên truyền vận động, quán triệt phổ biến kịp thời, đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết có liên quan đến vấn đề gia đình, trẻ em và bình đẳng giới. Theo đó, công tác kế hoạch háo gia đình về cơ bản đã được cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ thực hiện tốt.

Ban nữ công công đoàn các cấp cũng đã phối hợp cùng các phòng, ban liên quan tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban chấp hành công đoàn làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn lao động ký hợp đồng lao động; thương lượng, thỏa thuận ký kết thoả ước lao động tập thể, trong đó có các điều khoản chi tiết về chính sách dành riêng cho lao động nữ, đảm bảo có lợi hơn so với quy định của pháp luật.

Theo báo cáo hàng năm của NHNN, 100% các đơn vị trong ngành đều thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và đúng theo quy định của pháp luật về lao động. Bên cạnh đó, một số đơn vị trong Ngành đã có thêm những chính sách hỗ trợ cho lao động nữ như: Lao động nữ được hỗ trợ chi phí đào tạo lại nghề do sắp xếp lại vị trí; chi hỗ trợ lao động nữ nghỉ thai sản với mức 1 triệu đồng/người; giảm 1 giờ làm việc hàng ngày khi lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 cho đến khi con được 12 tháng tuổi; chi hỗ trợ khám sức khỏe chuyên khoa cho lao động nữ với mức chi 1 triệu đồng/người...

Một số công đoàn đã xây dựng và duy trì hoạt động các quỹ nữ công, quỹ khuyến học, quỹ trợ vốn để hỗ trợ lao động nữ và khen thưởng con cán bộ CNVCLĐ. Đối với chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và lắp đặt cabin vắt, trữ sữa mẹ, từ 15 cabin được Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đầu tư năm 2015, hiện toàn Ngành đã có trên 90 cabin như vậy với các thiết bị hỗ trợ cần thiết (như tủ lạnh, máy vắt sữa, bàn ghế, tài liệu hướng dẫn…); đặc biệt, riêng hệ thống Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam hiện đã có 56 phòng vắt, trữ sữa mẹ. Ngoài ra, Ban Nữ công cũng đã tham mưu cho Ban chấp hành Công đoàn cùng cấp đề xuất với lãnh đạo chuyên môn và chi hỗ trợ tiền nhà trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ có con dưới 6 tuổi, mức hỗ trợ tối thiểu từ 150.000 đồng - 217.000 đồng/trẻ/tháng…

Đây là những hoạt động hết sức ý nghĩa mà Ban Nữ công công đoàn các cấp đã làm được, hoạt động này đã trực tiếp mang đến quyền lợi thiết thực cho đoàn viên, lao động nữ, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của tổ chức Công đoàn.

Trong 5 năm qua, Ban Nữ công Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cũng luôn chú trọng rà soát, kiện toàn tổ chức Ban Nữ công tại các cấp công đoàn, nhất là Khối các TCTD, ngân hàng TMCP ngoài Nhà nước.

Đặc biệt là trong những năm gần đây, hoạt động nữ công với chủ đề “Mỗi công đoàn cơ sở - Một lợi ích thiết thực dành cho đoàn viên, lao động nữ” ngày càng đi vào chiều sâu, hoạt động sôi nổi, có chất lượng, hiệu quả thiết thực hơn, góp phần hiện thực mục tiêu hướng về cơ sở, lấy người lao động làm trung tâm và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành tích chung của tổ chức công đoàn và ngành Ngân hàng.

Các hoạt động xã hội từ thiện được duy trì và làm tốt

Các hoạt động xã hội từ thiện trong nữ CBĐVNLĐ được duy trì và làm tốt. Hàng năm, ngoài việc tham gia đóng góp, ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội nói chung, nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa được dành cho nữ CNVCLĐ trong và ngoài Ngành có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt, bị bệnh hiểm nghèo…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ ngành Ngân hàng đã tích cực nhắn tin ủng hộ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; Thăm hỏi, trợ giúp kinh phí cùng nhiều hiện vật có giá trị cho trẻ em là con CNVCLĐ nghèo trong cả nước thông qua các chương trình “Mùa xuân cho em”, “Cùng em đến trường”, “Vì nụ cười trẻ thơ”… do Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, Quỹ Trẻ em Công đoàn Việt Nam, Quỹ Tấm lòng Vàng – Lao động… tổ chức, phát động. Thời gian qua, tổng kinh phí ngành Ngân hàng hỗ trợ cho các hoạt động xã hội từ thiện mà đối tượng thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Với những thành tích đã đạt được, trong 5 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành Ngân hàng đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thống đốc NHNN, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương đánh giá, ghi nhận và trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Hàng năm tỷ lệ cán bộ, đoàn viên nữ đạt danh hiệu phụ nữ hai giỏi cấp cơ sở trở lên đạt từ 80 - 95%. Đây chính là động lực thúc đẩy chị em phấn đấu thực hiện tốt phong trào thi đua này và các phong trào thi đua do chuyên môn và công đoàn tổ chức phát động.

Có thể nói, thông qua các phong trào thi đua, các cấp công đoàn trong hệ thống Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phụ nữ trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của nữ CNVCLĐ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phản hồi

Các tin khác