(ĐHXIII) – Chủ động, sáng tạo, phát huy sức mạnh nội lực... là những kinh nghiệm được rút ra từ quá trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Hà Nam. Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới với sự nỗ lực, cố gắng của cấp uỷ, chính quyền các cấp, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, diện mạo nông thôn Hà Nam đã thực sự đổi mới.
|
Diện mạo tỉnh Hà Nam có nhiều đổi thay từ việc xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: VT)
|
Tháng 8/2020, Lý Nhân là huyện cuối cùng của Hà Nam đạt chuẩn nông thôn mới. Với xuất phát điểm có nhiều khó khăn, “về đích” sau, nhưng bộ mặt nông thôn Lý Nhân đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt, xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân, vì lợi ích của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, nhà văn hóa, kênh mương thủy lợi… được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động dịch chuyển nhanh và bền vững; các mô hình sản xuất mang hiệu quả kinh tế cao được đầu tư và phát triển góp phần nâng cao thu nhập cho người dân…Đồng thời, trong quá trình triển khai, huyện đã huy động sức dân trong việc hiến đất dịch tường, dịch dậu, đóng góp ngân sách để xây dựng đường làng, ngõ xóm và các công trình phúc lợi công cộng để tạo cảnh quan môi trường cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Thời điểm đạt chuẩn, huyện Lý Nhân có 22/22 xã được công nhận nông thôn mới; trong đó, xã Xuân Khê đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu; đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và không có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới.
Cùng với Lý Nhân, các huyện, thành phố còn lại của Hà Nam đều đã đạt được những thành tích đáng khích lệ trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân, tính dân chủ và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới được phát huy. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Đến nay Hà Nam có 83/83 xã (100%) số xã của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 06/6 huyện, thành phố, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2010-2020 tỉnh đã huy động được gần 40 nghìn tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nhờ xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2020 tăng xấp xỉ 3,7 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 10,68% năm 2010 xuống còn khoảng 2,20% năm 2020, trong đó có 0,65% hộ nghèo đa chiều đã trừ đối tượng bảo trợ xã hội, khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị từng bước được thu hẹp.
|
Người dân xã Hoàng Đông (Duy Tiên, Hà Nam) tham gia làm đường giao thông nông thôn. (Ảnh: VT)
|
Mới đây nhất, cuối tháng 12/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam trong hơn 10 năm qua.
Được biết, đến nay cơ cấu kinh tế của tỉnh Hà Nam đã có chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Cùng với việc đầu tư xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất và tiêu thụ với sản phẩm chủ lực là lúa chất lượng cao, các vùng trồng cây ăn quả, lúa, rau củ quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch, Hà Nam còn có 7 khu, cụm công nghiệp, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển công nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh. Ðây cũng là yếu tố quan trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp và đầu tư xây dựng cơ bản gắn với sự phát triển của các ngành dịch vụ đi kèm, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Để giữ vững và nhân lên những thành quả xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Nam đang hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bền vững. Mục tiêu tỉnh Hà Nam xác định là phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất một huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu; 35 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 12 - 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 68 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí nông thôn mới còn dưới 0,5%.
Theo đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới, chú trọng các tiêu chí về quy hoạch, sản xuất, môi trường, an ninh trật tự để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh việc tập trung đất đai để phát triển nông sản sạch làm vệ tinh liên kết chuỗi với các cơ sở, các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản và tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm mới, ổn định, có thu nhập cao cho người dân trong toàn tỉnh./.
Nguyễn Hải Hà