Thanh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn
Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực hiện Đề án 1385 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn bản ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020, Thanh Hóa có 131 thôn, bản thuộc 13 xã biên giới của 5 huyện (sau sáp nhập còn 122 thôn) thuộc phạm vi Đề án. Các thôn, bản ở các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới hầu hết đều có điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống dân cư rất khó khăn.

Sau khi Đề án 1385 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Thanh Hóa đã quán triệt đầy đủ, sâu rộng tới cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và tầng lớp nhân dân thuộc phạm vi Đề án. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các thôn, bản của các xã khó khăn khu vực biên giới xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

Trong đó, Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương thuộc phạm vi của Đề án rà soát thực trạng các thôn, bản theo 14 tiêu chí nông thôn mới được quy định tại Quyết định số 2392/QĐ-UBND ngày 6/7/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa, để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện từng năm và cả giai đoạn 2018-2020. Đồng thời, rà soát, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trong phạm vi, quy mô cấp thôn, bản theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với Chương trình OCOP như: phát triển cây dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc,…

Để Đề án triển khai mang lại kết quả thiết thực, bền vững, có chiều sâu về chất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh quan tâm, định kỳ hàng quý tổ chức các đoàn công tác làm việc với các địa phương về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, chỉ đạo sử dụng các nguồn vốn lồng ghép có hiệu quả, kịp thời uốn nắn những thiếu sót và định hướng việc tổ chức thực hiện các nội dung Đề án trong thời gian tiếp theo.

Bên cạnh đó, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với nhiều hình thức, nội dung phong phú như: tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên mục tuyên truyền phù hợp với nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân về Đề án. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền và tổ chức tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP cho cán bộ huyện, xã và tất cả các thôn bản trong phạm vi Đề án.

Đặc biệt, để thúc đẩy các địa phương xây dựng nông thôn mới, Thanh Hóa đã ban hành chính sách khuyến khích xây dựng nông thôn mới và chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong đó, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã xây dựng nông thôn mới (mức 2,2 - 4,5 tỷ đồng/công trình đối với các xã đặc biệt khó khăn); xã đạt chuẩn nông thôn mới (1 tỷ đồng/xã); thôn, bản thuộc các xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới(100 triệu đồng/thôn),…

Bên cạnh đó, các địa phương mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn, đã ban hành các cơ chế chính sách và lồng ghép vốn đầu tư thuộc các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn để hỗ trợ cho các thôn, bản xây dựng nông thôn mới, như hỗ trợ: xi măng làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn; xây dựng mô hình phát triển sản xuất và tùy điều kiện từng huyện thưởng từ 20-100 triệu đồng/thôn đạt chuẩn nông thôn mới,...

Sau 2 năm thực hiện Đề án, tại các thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả khá nổi bật. Trong đó, đã từng bước tạo nên những thôn, bản có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng được giữ gìn, phát huy. Một số công trình thiết yếu cấp thôn (giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, nhà văn hóa...) cơ bản hoàn thành, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; người dân đã có ý thức vươn lên để tự thoát nghèo.

Đi cùng với đó, một số mô hình phát triển sản xuất gắn với liên kết vùng nguyên liệu của thôn, bản đã được hình thành theo định hướng Chương trình OCOP. Thông qua thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản đã giúp cho người dân khu vực miền núi đặc biệt khó khăn biên giới phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tự giác trong công việc, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước. Người dân đã tích cực chăm sóc bảo vệ rừng, hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, các thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới đã góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới ở cấp xã,…

Từ đây, trên địa bàn thuộc phạm vi Đề án, bình quân đã đạt 9,15 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân 25,1 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,2%, có 1 bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 20/122 (16,4%) thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2020, có thêm 17 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số thôn thuộc phạm vi Đề án lên 37/122 thôn (đạt 30,3%).

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn, theo UBND tỉnh Thanh Hóa, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững ở cấp thôn, bản cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, khơi dậy được sự đồng thuận và nêu cao tinh thần thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên cập nhật những mô hình hay, điển hình tiên tiến, sáng kiến để nhân rộng.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng nông thôn để phục vụ sản xuất và dân sinh. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng cho những địa bàn khó khăn để các địa phương khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Mặt khác, địa phương sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương về cảnh quan thiên nhiên để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, trong đó chú trọng đến các mô hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản gắn với Chương trình OCOP. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP theo hướng gắn với xây dựng thương hiệu để thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu.

Ngoài ra, Thanh Hóa sẽ chú trọng tăng cường công tác bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn, tập trung xây dựng các mô hình thôn, bản, sáng, xanh, sạch, đẹp gắn với phát triển du lịch nông thôn. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và của cộng đồng dân cư trong xây dựng thôn, bản nông thôn mới,…/.

Phản hồi

Các tin khác