Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là một khâu quan trọng trong công tác tư tưởng và công tác tổ chức, cán bộ của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”.
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng yêu cầu: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo” đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Do đó công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị luôn được cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Thông qua các khóa huấn luyện, lớp đào tạo, bồi dưỡng, các cán bộ, đảng viên có đủ trình độ nhận thức và trưởng thành trong các hoạt động; nâng cao ý thức tu dưỡng đạo đức, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư tưởng, lập trường vững vàng, có bản lĩnh chính trị, có năng lực tổ chức, tập hợp, động viên, giáo dục, thuyết phục quần chúng, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong từng thời kỳ, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, những năm qua, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Công Thương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng.
Hàng năm, Đảng ủy Bộ và cấp ủy các cấp đã triển khai xây dựng kế hoạch cụ thể, cử cán bộ, đảng viên đi đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức về Đảng cho quần chúng ưu tú và đảng viên mới, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho bí thư, phó bí thư, cấp ủy phụ trách. Cùng với đó, Đảng ủy Bộ đã mở rộng các loại hình liên kết đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho phù hợp với đối tượng và đặc điểm của từng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; trong đó, chú trọng tăng cường quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng; giáo dục, phổ biến pháp luật gắn với tuyên truyền, triển khai các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Bộ.
Bên cạnh đó, Ban cán sự đảng và Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ cũng chỉ đạo tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật những vấn đề lý luận mới, thông tin đối ngoại, tình hình thực tiễn của đất nước, kiến thức, nâng cao nhận thức chính trị, chủ trương, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác cho cấp ủy các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương củng cố và xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác cán bộ; không ngừng đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy, học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị bảo đảm tính nghiêm túc, đúng quy chế, quy định, khoa học, thiết thực và hiệu quả; tăng cường đội ngũ giảng viên kiêm chức là các giảng viên chuyên nghiệp của các học viện có uy tín, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương.
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Bộ Công Thương vừa “hồng”, vừa “chuyên”, Ban cán sự đảng và Đảng ủy Bộ sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những giải pháp đồng bộ như tiếp tục nâng cao nhận thức các cấp ủy về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên của đảng bộ, cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, các Ban tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Bộ tham mưu với Ban Thường vụ tiếp tục nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng hiện đại, thiết thực, phù hợp với cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương. Mời các giảng viên giảng dạy lý luận chính trị có trình độ cao về lý luận và kiến thức thực tiễn phong phú; Các cấp ủy, tổ chức đảng phối hợp với lãnh đạo chính quyền gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với các khâu trong công tác tổ chức, cán bộ, như bố trí, sắp xếp, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, sao cho cán bộ, đảng viên được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị có thể phát huy tối đa năng lực và có môi trường thuận lợi để không ngừng học tập, rèn luyện và cống hiến cho đất nước.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch theo chức danh cán bộ, gắn lý thuyết với thực hành và kỹ năng xử lý những tình huống nảy sinh trong thực tiễn đối với từng chức danh, ở từng cấp, từng đơn vị, từng lĩnh vực công tác; đặc biệt chú trọng bồi dưỡng bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên nhằm đạt đến trình độ có thể tự quyết định một cách độc lập, sáng tạo, làm chủ hành vi chính trị của mình trước những bước ngoặt và tình huống phức tạp về chính trị, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; biểu dương, nhân rộng những mô hình điển hình nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trong toàn Đảng bộ; quan tâm đầu tư nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ.
Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của nước ta là thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Để thực hiện được mục tiêu đó, một trong những yêu cầu đối với Đảng và Nhà nước ta là phải xây dựng được nguồn nhân lực có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn giỏi và lý luận chính trị sắc bén, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định và nhạy cảm trước những biến động chính trị - xã hội; tích cực tham gia vào các quá trình chính trị - xã hội trên cương vị, chức trách được giao; giải quyết chính xác, nhanh chóng và có hiệu quả những vấn đề nảy sinh ở cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền.
Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương cần không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” để tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện những giải pháp có tính sáng tạo, đột phá khả thi trong việc xây dựng cơ chế quản lý và thực thi pháp luật nhằm nâng cao rõ rệt vai trò quản lý nhà nước của ngành Công Thương nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế đối với ngành Công Thương đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc./.
Như Ý