Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, Giám đốc Sở Công Thương Trần Quang Tấn đề xuất địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, linh hoạt trong từng thời điểm cụ thể để tăng cường hiệu quả truyền thông cả ở trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng dự báo, chủ động thông tin về thị trường; tổ chức triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu với tất cả các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Sớm hoàn thành Trung tâm Logistics Quốc tế thành phố Bắc Giang, trong đó có chức năng trung tâm thông tin và trưng bày sản phẩm để hỗ trợ tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa nông sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Về triển khai quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời gian tới, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thị Thu Thủy cho rằng để làm tốt công tác quy hoạch, cần phải thực hiện tốt 02 bước, đó là: Lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch. Để tập trung làm tốt công tác lập quy hoạch, xây dựng và quản lý kế hoạch, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trước hết cần phải đổi mới tư duy tiếp cận trong lập quy hoạch tỉnh Bắc Giang, khi xây dựng quy hoạch tỉnh cần phải thể hiện được những điểm lớn, nội dung quan trọng, nổi bật và điểm mới của quy hoạch và việc xây dựng quy hoạch phải hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang Đào Duy Trọng đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai và văn bản hướng dẫn thi hành. Đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030 bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất; tăng cường việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp.
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, đại biểu Giáp Xuân Thu - đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn cho rằng, hiện nay, Lục Ngạn đã xây dựng thành công “thương hiệu Vàng quốc gia” cho sản phẩm vải thiều. Năm 2020, mặc dù có sản lượng vải lớn và trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng việc tiêu thụ vải thiều ở Lục Ngạn vẫn rất thuận lợi, mang lại giá trị kinh tế trên 3.100 tỷ đồng cho người dân. Những kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu vải thiều sẽ được Lục Ngạn áp dụng với cam, bưởi nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng thành công hơn nữa về thương hiệu cho loại sản phẩm đặc trưng của địa phương cam, bưởi, ổi, táo, rượu Kiên Thành, mỳ Chũ… Qua một thời gian ngắn triển khai Kế hoạch Du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi, các nhà vườn đã tham gia tích cực vào hướng đi mới của địa phương.
Để làm tốt cho “Du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn”, đại biểu Giáp Xuân Thu kiến nghị huyện cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến các doanh nghiệp và người sản xuất nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, sang phát triển sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng. Tập trung quy mô lớn theo hướng doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên doanh, liên kết trong các khâu sản xuất, xã hội hóa đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm, lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Xây dựng các mô hình điểm trong sản xuất các loại cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần tăng giá trị của sản phẩm, trên hết là đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ nông sản. Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm của huyện Lục Ngạn - đại biểu Giáp Xuân Thu nhận định.
Đồng thời địa phương cũng cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu các loại trái cây đặc sản cùng các sản phẩm đặc trưng và tiềm năng du lịch đa dạng của huyện; xây dựng các tour cụ thể, tạo các sản phẩm ẩm thực mang đặc trưng vùng miền; xây dựng các điểm ăn nghỉ cho khách tại vườn.
Thanh Tâm