|
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: PA)
|
Thực hiện Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020 tại Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình, hoạt động, phong trào thi đua thiết thực nhằm góp phần nâng cao thu nhập, giúp người dân ngày càng gắn bó hơn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, Hội Nông dân các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới thông qua việc thúc đẩy hình thành sinh kế cho cán bộ, hội viên, nông dân ở thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Trong đó, nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới; những cách làm hay, mô hình hiệu quả về kinh tế do Hội Nông dân các cấp chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân các dân tộc về những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là những chủ trương chính sách ưu tiên phát triển kinh tế ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Hội Nông dân các cấp đã phổ biến sâu rộng trong cán bộ, hội viên nông dân về các phương pháp khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, tuyên truyền về cách xây dựng và tổ chức hoạt động Câu lạc bộ nông dân giúp nhau xóa đói giảm nghèo và các gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong đồng bào các dân tộc chủ động phát triển kinh tế. Qua đó, giúp các hội viên nông dân cùng nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Cùng với hoạt động trên, Hội Nông dân các cấp còn tổ chức phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Từ đây, đã góp phần tạo sức lan tỏa lớn, đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình sinh kế có hiệu quả ở thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Trong điều kiện mới, phong trào đã làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy kinh tế của hội viên nông dân, từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, liên kết, hợp tác; từ sản xuất truyền thống, kinh nghiệm sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm; sản xuất phải gắn với thị trường.
Những năm qua, phong trào này đã phát triển rộng khắp, đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc, vùng ven biển, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, thôi thúc ý chí không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, khuyến khích, động viên các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo về vốn, giống, ngày công lao động, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, cách sản xuất hiệu quả...
Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo; xuất hiện nhiều mô hình mới, mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Đặc biệt, từ đây, đã xuất hiện hàng nghìn gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hình thành hàng nghìn mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, tổ hợp tác liên kết với nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Điều này có thể thấy qua việc hàng năm, số lượng đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đạt hơn 6 triệu hộ, chiếm 41,3% so với tổng số hộ nông dân cả nước. Qua bình xét, mỗi năm có hơn 3,55 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu, chiếm 57,2% số hộ đăng ký.
Cùng với phong trào thi đua trên, Hội Nông dân các cấp đã xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về phát triển sản xuất tại các vùng đặc biệt khó khăn. Hội Nông dân đã ưu tiên các nguồn lực để xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tiêu biểu như: Dự án sản xuất lúa nếp Co Giàng tại Lai Châu; dự án nuôi gà đen và lợn bản địa tại Sơn La; dự án nuôi vịt cổ xanh kết hợp trồng cây dược liệu tại Yên Bái; dự án sản xuất rau, củ, quả tại Bắc Ninh,… Thông qua đó, giúp người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển sản xuất và thay đổi hành vi và thói quen trông chờ ỷ lại vào việc hỗ trợ của Nhà nước, biết tận dụng những điều kiện thuận lợi ở địa phương để đầu tư phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao nhất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất kinh tế hàng hóa. Đặc biệt, thông qua việc thực hiện dự án góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc miền núi vào đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho nông dân miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Để góp phần biểu dương, động viên kịp thời những điển hình nông dân tiêu biểu trong sản xuất, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam”; các hội nghị tuyên dương các gương nông dân điển hình tiên tiến theo hàng năm và định kỳ. Bên cạnh đó, để tiếp tục phát huy những cá nhân tiêu biểu, các địa phương đã sáng tạo thành lập mô hình mới như: “Câu lạc bộ nông dân tỷ phú”, “Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “Câu lạc bộ doanh nhân nông thôn” với hàng chục vạn hội viên tham gia,…
Có thể khẳng định rằng, với sự tập trung chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trong những năm qua bằng những nội dung, giải pháp cụ thể, thiết thực, các cấp Hội Nông dân đã hỗ trợ thúc đẩy và triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Thông qua đó, không ngừng góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân nông thôn./.
Thanh Hương