Sau khi Bộ Chính trị ban hành
Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07 tháng 12 năm 2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, Ban cán sự đảng Bộ
Công Thương đã phối hợp cùng Đảng ủy Bộ Công Thương lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy,
tổ chức đảng trực thuộc tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai Chỉ thị đến
toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động gắn với tiếp tục
thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí; Luật
Phòng, chống tham nhũng; Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm
2020 và các quy định khác của Trung ương nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận
thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động
trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và tăng cường kỷ luật, xiết chặt
kỷ cương hành chính.
Để cụ thể hóa, triển khai thực
hiện Chỉ thị, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản
để lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện như Chỉ thị số
02-CT/BCSĐ ngày 23 tháng 4 năm 2018 về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng thực hiện
chức năng quản lý nhà nước của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Công Thương liên quan đến một số hạn chế,
khuyết điểm và các yêu cầu của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương nêu tại Thông báo số
385-TB/UBKTTW ngày 29/01/2018, trong đó có yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị trực thuộc Bộ phối hợp cùng tổ chức đảng và cấp uỷ cùng cấp tập trung thực
hiện tốt một số nhiệm vụ liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ; công tác quản
lý đầu tư, quản lý tài chính; công tác tham mưu rà soát, sửa đổi, ban hành
chính sách quản lý theo ngành, lĩnh vực; công tác thanh tra, kiểm tra, giám
sát; công tác thông tin tuyên truyền và việc chấp hành Quy chế làm việc của Bộ.
Đồng thời Bộ Công Thương cũng
giao thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo
công tác phòng chống tham nhũng tại đơn vị; nêu cao tính chủ động, phòng ngừa, phát
hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và các hành vi bao che, dung
túng, cản trở việc chống tham nhũng; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, ngừa
tham nhũng, gắn công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí với việc thực hiện Chỉ
thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh
đốn Đảng.
Để nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác phòng chống tham nhũng và thực hiện Hướng dẫn số 08-HD/BNCTW ngày
20 tháng 4 năm 2018 của Ban Nội Chính Trung ương hướng dẫn về hoạt động của đơn
vị đầu mối tham mưu, giúp việc cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức ở Trung
ương về công tác phòng, chống tham nhũng, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban
hành Quy định số 01-QĐi/TW ngày 28/6/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,
cơ chế hoạt động của đơn vị đầu mối tham mưu, giúp việc Ban chỉ đạo Bộ Công
Thương về phòng, chống tham nhũng; trong đó giao Thanh tra Bộ làm đơn vị đầu mối
tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo.
Qua 5 năm triển khai thực hiện
Chỉ thị số 50-CT/TW, công tác phòng chống tham nhũng của Bộ Công Thương đã đạt
được những kết quả tích cực. Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Công Thương đã chỉ đạo
các tổ chức đảng trực thuộc tiến hành công tác tự kiểm tra nhằm phát hiện và
ngăn ngừa tham nhũng ngay trong tổ chức đơn vị mình. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo
của Ban cán sự đảng, hàng năm, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch thanh tra, Kế
hoạch kiểm tra và từ năm 2015 đến năm 2020 tiến hành triển khai thực hiện hàng
trăm cuộc thanh tra (thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành).
Bộ Công Thương cũng đã tiến
hành thanh tra một số dự án trong 12 dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả của
ngành Công Thương theo chỉ đạo của Chính phủ, nổi bật là công tác thanh tra tại:
Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất thuộc Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy
Dung Quất; Công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam;
Công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 và hoạt
động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần DAP số 2 – Vinachem; Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP
và Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần DAP – Vinachem (DAP1); Dự
án khai thác và chế biến muối Kali tại CHDCND Lào do Tập đoàn Hóa chất làm chủ
đầu tư.... Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, vi phạm, thiếu sót trong
công tác công tác tổ chức, cán bộ; công tác quản lý, sử dụng ngân sách, hoạt động
sự nghiệp có thu; công tác đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị. Bộ đã kiến
nghị xử lý, thu hồi về tài chính trong công tác đầu tư, tài chính; chấn chỉnh
quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; xử lý
trách nhiệm đối với một số cá nhân, tập thể…; chuyển một số vụ việc sang Cơ
quan điều tra Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có
dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.
Tại Tổng công ty Máy động lực
và Máy nông nghiệp, qua công tác thanh tra, Bộ cũng đã phát hiện nhiều sai phạm
và chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ về
các sai phạm liên quan đến việc quản lý kinh tế tại Tổng công ty.
Phát huy những kết quả đạt được,
trong thời gian tới, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp
chặt chẽ nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý
vụ việc, vụ án tham nhũng. Nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tuyên truyền, phổ biến,
quán triệt cho các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về
các quan điểm, chủ trương, mục tiêu về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng
thời thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với đẩy mạnh việc
“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần
Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và phòng, chống suy thoái
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm tạo
nên ý thức tự rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nâng cao nhận
thức về ý nghĩa, tầm quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác
phòng chống tham nhũng, góp phần xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan trong
sạch, vững mạnh, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng thời các cấp ủy đảng, cơ
quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu các cấp cần phải tiếp tục tổ chức thực hiện
tốt một số nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày
07/12/2015 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; trong đó, tập trung tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc nắm
tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý dứt
điểm các vụ việc nổi cộm, các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để tồn đọng kéo
dài gây bức xúc trong dư luận; xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu cấp ủy,
chính quyền để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do
mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện xử lý./.
Thanh Tâm