Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực đường sắt

Đường sắt Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong ngành vận tải nước ta.

Trước thách thức lớn

Giao thông vận tải (GTVT) đường sắt là một bộ phận quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, luôn thể hiện những ưu thế vượt trội về sự thuận tiện, tiết kiệm, tính đại chúng, thân thiện với môi trường và khả năng đảm bảo an toàn; đóng vai trò chủ đạo trong vận tải hành khách trên trục Bắc - Nam và hàng hóa, hành khách trên trục Đông - Tây, cũng như ưu thế nổi bật về vận tải hành khách công cộng cần được ưu tiên đầu tư phát triển.

Trong những năm qua, lĩnh vực ĐSVN đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Tuy nhiên về tổng quan, ngành đường sắt hiện nay vẫn đang rất khó khăn. Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt được xây dựng, khai thác hơn 100 năm nay, bị tàn phá bởi chiến tranh cũng như thiên tai, bão lũ nên rất xuống cấp, công nghệ lạc hậu, tụt hậu ngày càng xa so với đường sắt khu vực và thế giới. Cùng với đó, nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho phát triển đường sắt là rất lớn nhưng mức đầu tư phát triển cho đường sắt hiện còn rất thấp, ngân sách nhà nước cấp cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hàng năm cũng chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu thực tế. Những năm gần đây, sản lượng và thị phần vận tải đường sắt có chiều hướng giảm sút, khó cạnh tranh với các phương thức vận tải khác.

Để phát triển ngành đường sắt, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 27-KL/TW về Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ GTVT đã phê duyệt 05 quy hoạch và điều chỉnh 1 quy hoạch. Trong năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt 2017; Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định, Bộ GTVT và các Bộ liên quan đã ban hành 19 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt 2017, theo hướng tách bạch giữa công tác quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực đường sắt; tách bạch kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải trên đường sắt do nhà nước đầu tư; nâng cao vai trò quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt.

Ban Chấp hành Đảng bộ Cục ĐSVN lần thứ V nhiệm kỳ 2020 – 2025. 

Lãnh đạo Đảng ủy Cục ĐSVN cho biết, dù vậy, đến thời điểm hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành vẫn còn thiếu, một số nội dung còn chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện; mô hình tổ chức quản lý, vận tải, khai thác đường sắt chưa ổn định; quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt còn một số điểm chưa phù hợp, cần phải cơ cấu lại; đặc biệt là kể từ năm 2018 khi Tổng công ty ĐSVN chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, xuất hiện nhiều khó khăn trong quản lý điều hành giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp này.

Cùng với bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm do bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, những nguyên nhân nêu trên là những thách thức lớn đối với công tác quản lý nhà nước và sự phát triển lĩnh vực GTVT đường sắt. Nếu không có chính sách thích đáng, nâng cao trình độ, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển hiện đại hóa lĩnh vực đường sắt; sự nỗ lực không ngừng của các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, thì GTVT đường sắt sẽ khó phát triển, tiếp tục bị tụt hậu.

Phương hướng mới

Bước vào giai đoạn mới 2021-2025 đầy thách thức, Đảng bộ Cục ĐSVN đã chỉ ra phương hướng “Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, phát triển cân đối hài hòa giữa các phương thức vận tải, bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động tối đa mọi nguồn lực khác để đầu tư phát triển, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm hoạt động giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, tiết kiệm và thân thiện với môi trường”.

Theo Đảng ủy Cục ĐSVN, trước mắt, lĩnh vực cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về đường sắt. Trong đó tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phù hợp với nội dung Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư”; Xây dựng Thông tư hướng dẫn thuế kết cấu hạ tầng đường sắt không liên quan trực tiếp chạy tàu; Thông tư hướng dẫn quản lý sử dụng nguồn thu từ kết cấu hạ tầng thay thế Thông tư số 21/2008/TT-BTC; Sau khi Luật PPP được ban hành, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định ban hành cơ chế nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt theo hình thức đối tác công tư.

Về xây dựng quy hoạch phát triển, ĐSVN cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các quy hoạch đúng trình tự thủ tục, tuân thủ các quy định của pháp luật quy hoạch.

Về xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, Cục ĐSVN cần triển khai Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư”. Đồng thời tổ chức quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định pháp luật; kiểm tra, rà soát quỹ đất tại các khu ga đường sắt hiện hữu có lợi thế kinh doanh thương mại để kêu gọi xã hội hóa đầu tư tại các khu ga. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành đường sắt; triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chỉ đạo hoàn thành các dự án danh sách bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, không bị thất thoát, lãng phí.

Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường sắt cần tập trung triển khai thực hiện Đề án “Đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt”; duy trì phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm ATGT và hoàn thành xóa bỏ lối đi tự mở theo đúng lộ trình. Tiếp tục giảm tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt từ 5 đến 10% hàng năm; hạn chế TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.

Đồng thời tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về đường sắt đối với các văn bản mới được ban hành, đặc biệt là những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến ATGT đường sắt và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt. Chú trọng tuyên truyền cho cán bộ cấp xã, huyện của địa phương, người dân tộc thiểu số. Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả, hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đường sắt, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo trật tự, ATGT.

Nhân viên gác ghi đẩy chắn tàu tại nút giao với đường nội đô.

Về quản lý vận tải, Cục ĐSVN xác định thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện kết nối các phương thức vận tải đường bộ, hàng hải; đường thủy nội địa, đường sắt; tiếp tục tăng cường tổ chức công tác kiểm tra, giám sát việc chạy tàu an sinh xã hội, chạy tàu theo nhiệm vụ đặc biệt; duy trì kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt; duy trì thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp; xây dựng cơ chế tạo điều kiện các doanh nghiệp để phát triển hơn nữa các phương thức vận tải đa phương thức, dịch vụ logistic và hội nhập quốc tế.

Mặt khác, ĐSVN cần ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực; xây dựng, hoàn thiện đội ngũ lãnh đạo có đức, có tài, ngang tầm với nhiệm vụ phát triển; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn bộ máy tổ chức hành chính, hiện đại hóa hành chính và thực hiện hoàn thành Kiến trúc Chính phủ điện tử lĩnh vực đường sắt.

Đảng ủy Cục ĐSVN nhấn mạnh, “Đổi mới” là thay cách nghĩ, cách làm cũ lạc hậu, lỗi thời, không đáp ứng nhu cầu phát triển, bằng cách nghĩ, cách làm khác, tiến bộ hơn, hợp với quy luật của sự phát triển. Tuy không thể thực hiện một sớm một chiều, nhưng hoàn toàn có thể tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ GTVT cùng sự phối hợp tích cực của các cơ quan liên quan, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực đường sắt sẽ ngày càng nâng cao./.

Phản hồi

Các tin khác