Một góc nông thôn mới huyện Yên Thành. Ảnh: baonghean.vn
Bước tiến dài trên chặng đường xây dựng NTM
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị, cùng với sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân, Yên Thành đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Huyện đã từng bước phát huy thế mạnh của huyện nông nghiệp; cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng, phá thế độc canh; nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ và các giống mới được đưa vào sản xuất, tạo ra năng suất, giá trị gia tăng cao.
Trong vòng 5 năm qua, huyện Yên Thành đã bước được một bước tiến dài trên chặng đường xây dựng NTM. Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều giải pháp khác nhau, đặc biệt trên cơ sở phân tích hiện trạng đã xác định lộ trình về đích cho các xã phù hợp với điều kiện, tình hình; qua đó có cách làm, cách đầu tư phù hợp trên quan điểm kết quả đạt được phải thực chất, không để lại nợ đọng.
Đặc biệt, huyện còn xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp theo từng năm, từng giai đoạn kết hợp tổ chức lồng ghép tốt các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất. Ngay từ năm đầu triển khai chương trình, huyện đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế khen thưởng công trình phúc lợi cho xã đạt chuẩn NTM (200 triệu đồng/xã), hỗ trợ xi măng làm giao thông nông thôn xã miền núi 3 km, xã đồng bằng 2 km; hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, xây dựng các lò đốt rác thải. Đối với các xã khó khăn, miền núi ngoài chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết HĐND huyện, UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ thêm xi măng làm đường giao thông, hỗ trợ xã phấn đấu đạt tiêu chí xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu.
Mỗi xã là một “mảnh ghép”
Áp dụng công nghệ cao sản xuất rau sạch ở huyện Yên Thành. Ảnh: baonghean.vn
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Thành cho biết: Yên Thành có diện tích đất tự nhiên hơn 50 nghìn ha, dân số hơn 30 vạn người. Phát huy lợi thế về đất đai, nông nghiệp luôn là mũi nhọn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm tập trung phát triển; tập trung chỉ đạo các xã đồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn, chuyển từ giống lúa năng suất cao trồng giống lúa vừa có năng suất vừa có chất lượng cao và từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa. Để nâng cao giá trị cũng như tạo nguồn tiêu thụ ổn định, ngoài sản xuất lúa thương phẩm, huyện kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa hàng hóa, lúa giống diện tích hơn 1.000ha, tập trung ở các xã Liên Thành, Hoa Thành, Phúc Thành, Vĩnh Thành…cho giá trị thu nhập cao hơn sản xuất bình thường 10-15%.
Những năm qua, đánh dấu sự sôi động và hiệu quả trong thu hút đầu tư của huyện, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, thể hiện qua việc một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã tìm đến Yên Thành để khảo sát và quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Yên Thành đã kêu gọi được Tập đoàn TH cam kết đầu tư 4.000 – 6.000 ha lúa chất lượng cao với tổng mức 3.000 tỷ đồng. Trong năm 2018 Tập đoàn TH đầu tư, liên kết hợp tác sản xuất thử nghiệm trên 100 ha lúa chất lượng cao theo 2 hình thức là liên kết với nông dân và thuê lại đất, sử dụng người lao động của địa phương, người dân được đảm bảo mức thu nhập hàng năm sau khi trừ chi phí. Cụ thể là đưa giống lúa thuần QJ1, do Viện Nông nghiệp hữu cơ chọn tạo vào sản xuất. Gạo của giống lúa này là nguyên liệu để chế biến các sản phẩm mang thương hiệu TH như: Sữa gạo, bánh kẹo và gạo hàng hóa chất lượng cao phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Từ đó cây lúa Yên Thành được nâng tầm lên vị thế mới, cụ thể là sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với sản xuất các giống lúa thông thường trước đây. Với đà phát triển này, Yên Thành đang phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển cây lúa theo hướng hàng hóa lớn, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo.
Là vùng đất được mệnh danh “trước kho lương, sau rương tiền”, ngoài diện tích đất nông nghiệp màu mỡ, Yên Thành còn có vùng đồi núi, núi rộng lớn thuận lợi cho trồng cây ăn quả như cam, ổi, bưởi, cây nguyên liệu…kinh tế đồi, rừng được tập trung phát triển và đưa lại nguồn thu nhập ngày càng lớn cho người dân. Đặc biệt, cây ăn quả có múi đang dần khẳng định vị trí chủ lực ở các xã vùng bán sơn địa của huyện Yên Thành (Nghệ An), góp phần tích cực vào mục tiêu tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tổng kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2019 đạt gần 7.000 tỷ đồng. Kết quả, đến năm 2019 có 38/38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu đại hội (27 - 29 xã), tăng 25 xã so với năm 2015. Đặc biệt, ngày 16/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 524/QĐ-TTg, công nhận huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.
Cùng với tập trung phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Thành đã quan tâm chăm lo phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Giáo dục - đào tạo, y tế, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng theo hướng chuẩn hóa; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển rộng khắp và luôn đứng trong tốp đầu của tỉnh. An sinh xã hội được chăm lo; dân chủ xã hội được mở rộng; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, củng cố vững mạnh.
Cùng với đó, trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện có cách làm là đối với ngân sách do cấp trên hỗ trợ và toàn bộ ngân sách huyện đều dành để bố trí cho các xã xây dựng nông thôn mới. Ngân sách huyện hỗ trợ và giao cho xã làm chủ đầu tư công trình do xã lựa chọn gắn với mục tiêu cần đạt. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chủ động trong việc huy động sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân đồng thời góp phần nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện xây dựng NTM, cũng như trong các hoạt động khác ở cơ sở. Ở đây, huyện đóng vai trò điều phối, định hướng đảm bảo nguồn vốn được bố trí hợp lý đảm bảo mục tiêu không chỉ các xã về đích mà mỗi xã còn là một “mảnh ghép” quan trọng để góp phần hoàn thành 10 tiêu chí NTM của cấp huyện.
Bên cạnh đó, Yên Thành còn khai thác các yếu tố ngoại lực, nhất là về chính sách để qua đó có thêm nguồn lực đầu tư. Ví dụ, năm 2010 chỉ có một tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua địa bàn huyện với chiều dài 20 km thì đến năm 2019 có 3 tuyến đường quốc lộ, 6 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 180 km đi qua địa bàn huyện, các tuyến đường này được cấp trên đầu tư để nâng cấp.
Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong nông thôn mới
Sản phẩm cam Xã Đoài ở xã Đồng Thành. Ảnh: baonghean.vn
Đặc biệt, nguồn lực hết sức quan trọng để xây dựng NTM chính là của Nhân dân địa phương, doanh nghiệp và người Yên Thành xa quê. Do đó, ngay từ đầu, huyện xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; từ đó, tạo thống nhất về nhận thức, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đồng thuận của nhân dân, làm cho người dân xác định chính họ là vai trò chủ thể trong xây dựng NTM: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”.
Đồng chí Phan Văn Tuyên - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành nhận định: Thành quả hôm nay của huyện Yên Thành có sự đóng góp rất lớn, rất quan trọng của nhân dân. Hầu như các hội quán thôn, xóm trên địa bàn huyện đều được xây dựng từ nguồn xã hội hóa hay khi thực hiện các tuyến đường giao thông, nhân dân đều đồng thuận hiến đất giải phóng mặt bằng... là minh chứng rất cụ thể.
Trong xây dựng NTM nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn. Do đó, huyện đã hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đến năm 2035, định hướng đến năm 2050 được UBND tỉnh phê duyệt. Từ đó, huyện Yên Thành đã cụ thể hóa vào trong chỉ đạo, thực hiện; tập trung liên kết với các doanh nghiệp đưa các cây trồng, vật nuôi có giá trị vào sản xuất, đặc biệt ưu tiên các mô hình sản xuất theo chuỗi, nông nghiệp công nghệ cao, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Thu hút và triển khai các dự án đầu tư vào huyện nhà để chuyển dịch lao động nông thôn và thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), khu vườn chuẩn nông thôn mới.
Với chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, an toàn, bền vững, huyện đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, từ đó đã hình thành nhiều mô hình hiệu quả như Cam Đồng Thành, Minh Thành, cho thu hoạch từ 800 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm; gà VietGAP Tây Thành, Quang Thành; mật ong Tràng Kẻ (Mỹ Thành); gạo thảo dược Vĩnh Hòa; dứa VietGAP Tân Thành; Đào cảnh Kim Thành; nhà lưới sản xuất rau, củ, quả sạch tại Bảo Thành, Tân Thành, Mỹ Thành…
Xây dựng nông thôn mới được xác định là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, không cho phép tâm lý chủ quan, tự mãn với kết quả đã đạt được. Trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Yên Thành xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhất là phấn đấu có 27 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó, có 3 - 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Mục tiêu đến năm 2028 trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, làm nền tảng để đến năm 2030 đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong quá trình xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của huyện Yên Thành năm sau cao hơn năm trước: Năm 2010, đạt 13,92 triệu đồng/người/năm; năm 2015 đạt 26,075 triệu đồng, đến năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm, trong đó, thu nhập khu vực nông thôn đạt 42,43 triệu đồng/người/năm, tăng so với 2010 là 28,51 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo các năm từ 9,42% năm 2010 xuống còn 1,92% đến cuối năm 2019, thấp hơn bình quân chung của tỉnh 2,08%. |
QT