Quyết tâm tạo bước “đột phá” trong an toàn giao thông giai đoạn 2020-2025

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

TNGT là vấn đề xã hội mang tính toàn cầu, gây hậu quả lớn. Theo ước tính, hàng năm tại Việt Nam có thể thiệt hại tới 2,9% tổng GDP của cả nước, tương đương 7 tỷ USD/năm do TNGT. Thiệt hại do TNGT đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến những thành quả tăng trưởng kinh tế và gây tổn thương cho hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, an toàn, thân thiết trong mắt bạn bè đối tác; đồng thời, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong mỗi vụ TNGT có phần lỗi và trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng và Nhà nước.

Nhằm giảm thiểu những thiệt hại do TNGT, trong thời gian qua, công tác bảo đảm TTATGT luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng với Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 4/9/2012, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục tùn tắc giao thông”; Kết luận số 45-KL/TW, ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI.

Lãnh đạo Chi bộ Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong thời gian qua, công tác đảm bảo TTATGT có sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông. Nhờ đó, công tác bảo đảm TTATGT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tốt, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT trên phạm vi cả nước, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hoạt động vận tải cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội; chống ùn tắc giao thông ở hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tình hình TNGT giảm liên tục cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm liền trước. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, tính riêng từ 2016-2019, số người thiệt mạng TNGT hàng năm giảm xuống dưới 9.000 người, đặc biệt năm 2019 giảm dưới 8.000 người. Cụ thể, xảy ra 39.215 vụ, làm chết 16.309 người, bị thương 32.904 người; so sánh với giai đoạn 2012-2015 giảm 28% về số vụ, giảm 10% về số người chết, giảm 39% về số người bị thương.

Tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp

                 Hiện trường vụ tai nạn giao thông liên hoàn trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

 
Tuy nhiên, TNGT trong thời gian qua còn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, đi sâu vào phân tích cũng thấy còn nhiều điều đáng trăn trở.

Trong đó, kết quả kiềm chế và giảm TNGT chưa vững chắc, dù xu hướng chung là giảm dần nhưng vẫn xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Số người chết và bị thương do TNGT vẫn cao, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng TNGT.

Các hành vi vi phạm về TTATGT vẫn diễn ra phổ biến, người tham gia giao thông chưa thực sự tự giác, còn hiện tượng đối phó, thậm chí chống đối người thi hành công vụ. Việc phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan chức năng về bảo đảm TTATGT chưa hợp lý, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn hạn chế; lực lượng thực thi nhiệm vụ còn có hạn chế về năng lực giám sát xử lý vi phạm; việc thực thi pháp luật còn chưa nghiêm,...

Cùng với đó, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập; còn sự phát triển manh mún; tình trạng làm đường đến đâu, xây nhà đến đó, xây nhà ven quốc lộ, vi phạm hành lang ATGT đường bộ vẫn diễn ra gây ảnh hưởng lớn tới ATGT; tình trạng không tuân thủ quy hoạch, thậm chí phá vỡ quy hoạch xây dựng còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi;…

Mặc dù Đảng, Nhà nước rất coi trọng vấn đề bảo đảm TTATGT với những quyết tâm cao và nỗ lực lớn nhưng một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong lĩnh vực này.

Quyết tâm giảm tối thiểu 5%

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, công tác đảm bảo TTATGT xác định các giải pháp đồng bộ với mục tiêu tiếp tục kéo giảm TNGT hàng năm tối thiểu 5% một cách bền vững.

Theo đó, phương hướng đầu tiên là phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về bảo đảm TTATGT; thực hiện toàn diện, đồng bộ, liên tục các chủ trương, giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác bảo đảm TTATGT; phấn đấu hàng năm kiềm chế, làm giảm từ 5% đến 10% TNGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao thông đường bộ.

Cảnh sát giao thông điều tiết an toàn giao thông tại Hà Nội. 

Đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế để bảo đảm các điều kiện phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng. Xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Để thực hiện các quan điểm, phương hướng đó, các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng các cấp đã tập trung xây dựng 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Cụ thể, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đối với công tác bảo đảm TTATGT; xác định đây là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGT của các ngành chức năng và chính quyền các cấp; tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện.

Cùng với đó, phải đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT với nhiều hình thức và nội dung phù hợp; nâng cao trách nhiệm và tính tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông”; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy pháp luật về TTATGT.

Mặt khác, cần tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Hoàn chỉnh quy hoạch giao thông và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy hoạch đã được phê duyệt. Có cơ chế, chính cách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong nước, quốc tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Song hành với đó là nâng cao lực và hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT. Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, để hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT. Xây dựng chiến lược phát triển phương tiện giao thông phù hợp với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường quản lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động GTVT, bảo đảm hợp lý, khoa học và phù hợp. Đối với tổ chức giao thông đường bộ bảo đản hợp lý, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông và an thuận lợi cho hoạt động GTVT,

Đồng thời triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm các quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông. Tập trung nguồn lực triển khai đề án phát triển vận tải hành khách công cộng kết nối với Đề án phát triển vận tải hành khách bằng đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt nhanh. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, trên cơ sở đó, vận động người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Xác định chiến lược tạo sự “đột phá”

Theo lãnh đạo Chi bộ Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, căn cứ điều kiện hiện nay tại Việt Nam, cần chú ý một số giải pháp đột phá, dựa trên kết quả nhiều nghiên cứu về tình trạng ATGT nước ta, cũng như thể hiện qua các quan điểm của Đảng, Nhà nước, đã chỉ ra rằng: Nguyên nhân chính của tình trạng TNGT hiện nay là do văn hóa giao thông còn kém, là hệ quả từ cả chủ quan nhận thức của một bộ phận người tham gia giao thông lẫn do các chế tài pháp luật chưa đủ mạnh để mang tính răn đe, phòng ngừa, hiệu lực thực thi pháp luật chưa cao.

 Ban Chấp hành Chi bộ Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhiệm kỳ 2020 – 2022.

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn trong đầu tư nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT hiện đại, dựa trên quyết tâm và đặc thù của hệ thống chính trị, có thể chọn khâu đột phá là nâng cao văn hóa, quyền và trách nhiệm của người tham gia giao thông, lực lượng chức năng bảo đảm TTATGT.

Theo đó, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về bảo TTATGT. Cần thực hiện mạnh mẽ văn hóa giao thông trong một đất nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật. Cần xác định rằng, một chút tình cảm, một chút linh động, nể nang, có thể dẫn tới hậu quả khôn lường. Thực tế ở các nước đã từng thành công trong chấn chỉnh tình trạng ATGT, các cơ quan chức năng đều phải rất nghiêm khắc trong xử lý các vi phạm nhằm tạo tính răn đe, phòng ngừa đối với các hành vi gây mất TTATGT, TNGT.

Ở Việt Nam hiện nay cần quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm TTATGT nghiêm trọng, gây TNGT dẫn tới tử vong; các hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe; chống người thi hành công vụ; đẩy mạnh hình thức “phạt nguội”;...

Hiệu lực, hiệu quả của pháp luật còn thể hiện ở sự công bằng, minh bạch trong xử lý các vi phạm. Đặc biệt, với người thi hành công vụ mà vi phạm thì càng cần xử phạt nghiêm khắc hơn. Đảng, Nhà nước, lực lượng chức năng cần tuyển truyền, quán triệt, đẩy mạnh đạo đức công vụ trong lĩnh vực ATGT để thực sự tạo được một đội ngũ hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đồng thời xây dựng một xã hội có văn hóa tham gia giao thông cao. Văn hóa tham gia giao thông thể hiện trên nhiều mặt, từ khả năng, kỹ năng điều khiển phương tiện, nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham gia giao thông, cho đến ứng xử với các tình huống xảy ra khi tham gia giao thông, thiết kế hệ thống kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông và môi trường tham gia giao thông giúp người dân thuận lợi khi tuân thủ các quy định pháp luật,...

Muốn vậy, cần chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, về tình hình TNGT cho nhân dân. Công tác tuyên truyên phải bảo đảm đồng bộ, khoa học, tính Đảng, tính nhân dân, với phương châm là “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo”, tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tạo ra phong trào toàn dân thực hiện bảo đảm TTATGT, văn hóa tham gia giao thông.

Mặt khác, cần đẩy mạnh việc giáo dục văn hóa tham gia giao thông trong các trường học để tạo dựng các thế hệ có ý thức, trách nhiệm về bảo đảm TTATGT trước khi họ trực tiếp tham gia giao thông. Đặc biệt phát huy vai trò của cộng đồng, của các tổ chức vận động thanh niên, vận động nâng cao văn hóa giao thông cho nhóm thanh thiếu niên, nhóm đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong số nạn nhân TNGT; cần tạo được một làn sóng trong thanh niên thực hiện phong trào văn hóa tham gia giao thông.

Để thực hiện các giải pháp đột phá trên, Chi bộ Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia tiếp tục chỉ đạo Văn phòng Ủy ban (là cơ quan chuyên môn giúp việc cho Ủy ban ATGT Quốc gia tăng cường phối hợp tốt với các cơ quan thành viên của Uỷ ban như các cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,... để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo các giải pháp liên ngành về bảo đảm TTATGT; phối hợp, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện; chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, nghỉ lễ; xây dựng kế hoạch hoạt động tuyên truyền ATGT cho từng năm để chủ động triển khai phối hợp./.

Phản hồi

Các tin khác