|
Một góc nông thôn mới tại xã Đào Dương, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Đình Huy)
|
Nghị quyết 327/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên nêu rõ, năm 2020, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Hưng Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, địa phương đã đạt được kết quả nhiều khá toàn diện ở trên các lĩnh vực của kinh tế - xã hội.
Cụ thể, tổng sản phẩm GRDP tăng 6,13%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 78,83 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế với công nghiệp, xây dựng chiếm 61,6%; nông nghiệp, thủy sản chiếm 9,29%; thương mại, dịch vụ chiếm 29,12%. Đồng thời, giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản tăng 3,48%; giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 210 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 7,52%; giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 4,44%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 6,83%. Năm 2020, Hưng Yên đã tiếp nhận 69 dự án đầu tư mới với số vốn đăng ký tương đương 808,8 triệu USD.
Cùng với kết quả trên, hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh đã được quan tâm đầu tư, các công trình giao thông trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Công tác về giáo dục, y tế, văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, có thêm 43 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 403 trường; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,5%, tỷ lệ xã đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ làng, khu phố văn hoá đạt 88,7%, tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 91,5%.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, đồng thời, đã tạo việc làm mới cho 2,33 vạn lao động.
Đáng chú ý, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã được tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong năm 2020, Hưng Yên đã có thêm 6 huyện được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 28 xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 50 triệu đồng/người/năm.
Cùng với việc phát huy những kết quả đạt được trong năm 2020, bước sang năm 2021, Hưng Yên hướng đến mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Đi cùng với đó, Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ và đô thị, trong đó, chú trọng hơn ở các khu vực trọng điểm để thúc đẩy lan tỏa phát triển. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Về các chỉ tiêu cụ thể, năm 2021, Hưng Yên phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng 7,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 8,7%; giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 7%; nông nghiệp, thuỷ sản tăng 2,2%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đạt 4.800 triệu USD.
Bên cạnh đó, Hưng Yên phấn đấu có thêm 11 xã đạt nông thôn mới nâng cao và có từ 2 - 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,2%; tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 35%, đồng thời, tạo thêm việc làm mới cho 2,33 vạn lao động,…
Để đạt được các muc tiêu trên, Hưng Yên sẽ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các Nghị quyết, Chương trình, Đề án của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Đặc biệt quan tâm xây dựng cơ chế đặc thù dành cho thành phố Hưng Yên và thị xã Mỹ Hào để có bước phát triển đột phá, tạo động lực phát triển cho toàn tỉnh.
Cùng với giải pháp trên là việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa; công nghệ sinh học gắn với chế biến, bảo quản nông sản. Tiếp tục chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây hàng năm, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Triển khai tốt công tác quản lý quy hoạch, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Đặc biệt là việc đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và tăng cường công tác xúc tiến thương mại, duy trì và phát triển các nhãn hiệu hàng hóa tập thể của tỉnh.
Quan tâm, chú ý đến công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tăng cường xây dựng cơ sở, vật chất ở các cấp học, bậc học. Tiếp tục triển khai xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, các trường học đạt tiêu chuẩn xanh- sạch- đẹp. Đồng thời, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Phương Linh