Hà Giang: Nhiều khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn
Phát triển cây dược liệu - một trong các giải pháp xóa đói,
            giảm nghèo tại các huyện 30a của Hà Giang. (Ảnh: VP)

Phát triển cây dược liệu - một trong những giải pháp xóa đói, giảm nghèo tại các huyện 30a của Hà Giang. (Ảnh: VP)


UBND tỉnh Hà Giang cho biết, triển khai Quyết định số 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nội dung cụ thể để triển khai Đề án.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện xây dựng thôn nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tình hình kinh tế - xã hội ở các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới đã có bước phát triển khá tốt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được củng cố; tỷ lệ hộ nghèo giảm. Đồng thời, hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn vững chắc, văn hóa truyền thống được khôi phục, duy trì; môi trường sinh thái nông thôn đã có bước chuyển biến; an ninh, trật tự xã hội được tăng cường.

Trong đó, có thể kể đến công tác quy tụ các hộ sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại các thôn bản, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong giai đoạn 2018-2020 đã được thực hiện hiệu quả. Kết quả sau 2 năm đã quy tụ được 4.777 hộ (riêng các xã biên giới thực hiện được tổng số 929 hộ). Về phát triển kinh tế nông thôn, nhiều xã đã xây dựng phương án liên kết giữa các hộ và doanh nghiệp để phát triển sản xuất với quy mô vừa và nhỏ như: trồng dứa, trồng ngô hàng hoá, trồng cây dược liệu tại các huyện 30a, mô hình sản xuất chè, cam theo tiêu chuẩn VietGap. Các mô hình đã góp phần tích cực tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, các hộ gia đình.

Đồng thời, mô hình “Tiếng mõ an ninh” tại các thôn đã góp phần bảo vệ an ninh biên giới. Đến nay, 100% số thôn biên giới đều xây dựng mô hình thực hiện.

Theo UBND tỉnh Hà Giang, trong giai đoạn 2021-2025, địa phương phấn đấu 50% số thôn theo Đề án đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí của UBND tỉnh ban hành. Để đạt được mục tiêu này, Hà Giang xác định cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình xây dựng thôn nông thôn mới cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo sự đồng thuận, thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới. Trong công tác tuyên truyền, cần kiên trì, kiên nhẫn và đặc biệt, sau mỗi đợt tuyên truyền, vận động, cần tổng kết đánh giá để kịp thời tuyên dương tổ chức, cá nhân, hộ dân tiêu biểu đã hiến đất, hiến hoa màu làm đường giao thông và một số công trình khác.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở phải quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát thực tế, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo môi trường thuận lợi để người dân phát huy được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Đáng chú ý, cần xuất phát từ nhu cầu, tình hình thực tế và thế mạnh của từng địa phương để có kế hoạch xây dựng thôn nông thôn mới có tính khả thi. Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, cần chú trọng thực hiện các tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh, an toàn xã hội. Bởi đây là những tiêu chí mang tính sát thực, liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

Ngoài ra, cần hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ưu tiên các hộ có điều kiện, có năng lực phát triển sản xuất để hỗ trợ về lãi suất vốn vay, mua vật tư, tập huấn, đào tạo nghề... nhằm phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương, từ đó làm cơ sở để nhân rộng.

Đi cùng với đó, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư trong xây dựng thôn nông thôn mới. Đặc biệt là tổ chức đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn từng thôn./.

Phản hồi

Các tin khác