|
Đồn Biên phòng Nậm Càn trao tặng lợn giống cho các hộ gia đình khó khăn ở xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. (Ảnh: HT)
|
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An quán triệt sâu sắc quan điểm "lấy dân làm gốc", dựa vào dân để phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới. Từ đó, đề ra các chủ trương, giải pháp tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp dân xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thông mới.
Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vùng biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã tổ chức quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động của các cấp về xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là: Quyết định số 1600/QĐ-TTg, ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020; các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; Phong trào “Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,…
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế tại địa bàn, đơn vị, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề, Bộ Chỉ huy và các đơn vị cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ đơn vị trong tham gia các hoạt động giúp đỡ nhân dân xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình triển khai, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân trên địa bàn về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh của xã, bản; tuyên truyền qua hệ thống pano, áp phích… Đặc biệt, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân khu vực biên giới chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương… Từ nhận thức mục đích xây dựng nông thôn mới trước hết là vì lợi ích của người dân, nhân dân đã tích cực đóng góp công sức, tiền của, tự nguyện hiến hàng chục héc ta đất đề làm đường và các công trình dân sinh; tạo thành phong trào thi đua rộng khắp trên toàn địa bàn, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh xác định, muốn xây dựng nông thôn mới thành công, trước hết, hệ thống cơ sở chính trị địa phương phải mạnh. Đây cũng là một tiêu chí rất quan trọng trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Vì vậy, đơn vị đã thường xuyên triển khai cán bộ tăng cường xã và nhiều đảng viên các đồn biên phòng chuyên sinh hoạt tạm thời về các thôn, bản yếu kém, địa bàn xung yếu, phức tạp. Đội ngũ cán bộ tăng cường xã, đảng viên chuyên sinh hoạt tạm thời đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên củng cố, kiện toàn cấp ủy các tổ chức đảng; nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết, duy trì nghiêm các quy chế, quy định trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đáng chú ý, trên cơ sở phối hợp xác định địa bàn làm điểm xây dựng nông thôn mới, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu lựa chọn 2 xã (xã Tam Quang, huyện Tương Dương và xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương) là 2/27 xã biên giới đất liền của tỉnh để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Từ đây, căn cứ vào bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xác định nhiệm vụ, chỉ tiêu, lộ trình, biện pháp thực hiện cụ thể của 2 xã theo phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”. Kết quả, 2 xã được lựa chọn làm điểm đã về đích nông thôn mới đúng lộ trình.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai giúp đỡ người dân xây dựng nông thôn mới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực tiếp tham gia các hoạt động giúp đỡ nhân dân các xã biên giới triển khai nhiệm vụ. Các đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động, sản xuất, chuyển đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao năng suất và thu nhập. Trong đó, đã xây dựng và phát huy 43 mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả. Đồng thời, tham gia với địa phương làm mới và tu sửa 345 km đường giao thông nông thôn, 152 km kênh mương thủy lợi; khai hoang phục hóa 139 ha ruộng nước. Duy trì thực hiện tốt Chương trình nâng bước em đến trường; nhận đỡ đầu 108 học sinh nghèo học, gia đình có hoàn cảnh khó khăn,…
Mặt khác, thực hiện sự phân công của của UBND tỉnh Nghệ An, Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận giúp đỡ 3 xã nghèo gồm: xã Môn Sơn (huyện Con Cuông), xã Tam Hợp (huyện Tương Dương) và xã Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn). Hằng năm, đơn vị đã phát động cán bộ, chiến sĩ ủng hộ trên 660 triệu đồng giúp đỡ 3 xã mua cây, con giống, xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo.
Đi cùng với đó, triển khai chương trình phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện tốt Đề án "Chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản cung cấp con giống cho các hộ nghèo trong khu vực biên giới", hoàn thành 20/20 mô hình, cấp gần 1.200 con giống cho trên 400 hộ nghèo. Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị phối hợp các nhà trường mở các lớp xóa mù chữ; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh lớp 9, góp phần nâng cao trách nhiệm của học sinh và người thân trong tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Cùng với việc tham mưu xây dựng, củng cố cơ sở chính trị địa phương, giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo để góp phần xây dựng nông thôn mới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã làm tốt công tác huy động, phát huy sức mạnh toàn dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia như: Phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới; tham gia tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm,… Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những kết quả trên của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã góp phần từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn mới khu vực biên giới; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp. Đồng thời, góp phần phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia./.
BT