(ĐHXIII) – Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của công tác giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, UBND tỉnh Sơn La đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung, hình thức giáo dục... Qua đó, thiết thực nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh.
|
Phối hợp giáo dục pháp luật cho người dân bản Lọng Phẳng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu. (Ảnh: SL).
|
Những năm gần đây, công tác giáo dục pháp luật ở huyện Bắc Yên được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân; nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, UBND huyện đã giao Phòng Tư pháp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch công tác giáo dục pháp luật hàng năm trên địa bàn bằng những hình thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn. Tập trung triển khai tuyên truyền, phổ biến các luật, quy định mới ban hành và về các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện được chuyển từ tổ chức hoạt động trực tiếp sang các hình thức khác, như: Biên soạn, phát hành các loại tờ rơi, tờ gấp, tài liệu hỏi đáp luật; thông qua Trang thông tin điện tử, mạng xã hội, hệ thống loa phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu tại nơi công cộng... Với trên 650 đợt tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị... thu hút hơn 51.000 lượt người nghe; phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện phát hành gần 100 tin, bài, chương trình chuyên trang “Tìm hiểu pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử của UBND huyện; phát trên sóng FM, hệ thống loa truyền thanh cơ sở hơn 850 phút về phổ biến, giáo dục pháp luật. Chị Hoàng Thị Mỷ ở xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên cho biết: “Thông qua công tác tuyên truyền của các cấp, các tổ chức, bà con trong xã đã nhận thức đầy đủ hơn về các quy định của pháp luật. Mọi người đều động viên nhau chấp hành tốt pháp luật, góp phần giữ ổn định địa bàn”.
Không chỉ huyện Bắc Yên, tại các huyện, thành phố còn lại ở Sơn La, công tác giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung vào các vấn đề quan trọng như chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách về giới...
Chỉ tính riêng trong năm 2020, đã có 06 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức với sự tham gia của 505 lượt đại biểu là Bí thư hoặc phó bí thư chi bộ, Trưởng, phó bản các bản; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở các bản; Người có uy tín, hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã, thị trấn của 7 huyện: Sông Mã, Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Phù Yên, Bắc Yên. Tổ chức 08 Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã: Pá Lông, Co Mạ huyện Thuận Châu; Chiềng On Chiềng Tương, huyện Yên Châu; Sam Kha, Mường Và huyện Sốp Cộp; Kim Bon, Mường Thải huyện Phù Yên với 714 lượt đại biểu tham gia, thành phần chủ yếu là thanh niên, vị thành niên nam, nữ là người dân tộc thiểu số chưa kết hôn; cha, mẹ của nam, nữ thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi vị thành niên chưa kết hôn...
|
Phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh ở Sơn La. (Ảnh: TT).
|
Nét nổi bật trong công tác giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La là việc tuyên truyền cho học sinh người dân tộc tại các trường học đã được thực hiện nề nếp, có chất lượng. Điển hình là tại các địa phương như Yên Châu, Thuận Châu, Phù Yên, Sông Mã, Mộc Châu... Phòng Dân tộc các huyện đã phối hợp cùng Phòng Giáo dục xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phong phú. Để phù hợp với tâm lý lứa tuổi, hình thức tuyên truyền sân khấu hóa được coi trọng thông qua tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật gồm các phần thi: Chào hỏi, hiểu biết, năng khiếu tuyên truyền và hùng biện, và trò chơi dành cho khán giả... Nội dung tập trung vào tuyên truyền, giáo dục về Luật bình đẳng giới, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình và các nội dung liên quan đến yếu tố giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số... Thông qua đó, vừa giúp các em học sinh nâng cao nhận thức, vừa tạo cơ sở để mỗi em dần trở thành một tuyên truyền viên pháp luật tại các khu dân cư, địa bàn cư trú. Em Lầu A Lùng, học sinh trường PTDT bán trú THCS vùng cao xã Co Mạ huyện Thuận Châu chia sẻ: “Chúng em rất thích hình thức sân khấu hóa trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Các nội dung vừa sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ vừa phù hợp với lứa tuổi chúng em”.
Có thể thấy, với sự vào cuộc của các hệ thống chính trị cùng những cách làm phù hợp, sáng tạo, công tác giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La đã đạt được những kết quả tích cực. Hiệu quả giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ giúp bà con nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, mà còn là điều kiện xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật; giữ ổn định an ninh trật tự tại cơ sở, tạo môi trường ổn định để xây dựng tỉnh Sơn La ngày một phát triển./.
Phạm Văn Đồng