Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới

Trong 5 năm qua (2015-2020), Bộ, ngành Tư pháp đã tích cực hưởng ứng, triển khai thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, trong đó một trong những trọng tâm là phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Thực hiện Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, gắn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn và các phong trào thi đua khác để đa dạng nội dung tổ chức, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, thực hiện lồng ghép với việc triển khai nhiệm vụ, qua đó góp phần giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đồng thời gắn với các đợt thi đua làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xây nhà tình nghĩa; ủng hộ người nghèo, đồng bào bị lũ lụt, thiên tai; giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó,... để khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân tương ái, truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Các phong trào đã được các cơ quan, đơn vị trong Ngành, cán bộ, công chức nhiệt tình hưởng ứng, nhân dân phấn khởi, đón nhận và được triển khai sâu rộng bằng những việc làm, hành động cụ thể với nhiều hình thức thi đua phong phú, đa dạng, thiết thực.

Đoàn viên thanh niên Sở Tư pháp Bắc Kạn tham gia sửa đường ống nước cho người dân. Ảnh: TL.

Đoàn viên thanh niên Sở Tư pháp Bắc Kạn tham gia sửa đường ống nước cho người dân. Ảnh: TL.

Các đơn vị thuộc Bộ đã tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, phổ biến pháp luật, tham gia tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, kiến thức pháp luật cho báo cáo viên, hòa giải viên các huyện nghèo; phối hợp với chính quyền địa phương đăng ký tham gia giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo; quan tâm, sát cánh với những người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần từng bước nâng cao hiểu biết của người dân về pháp luật; phát hiện những thiếu sót, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thuộc lĩnh vực được giao tại các địa phương, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức tại các địa phương nông thôn, miền núi.

Cùng với đó, các Sở Tư pháp chủ động phối hợp với đơn vị có liên quan tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật; lựa chọn 01-02 xã đặc biệt khó khăn để giúp đỡ với nhiều hình thức: Hỗ trợ tủ sách pháp luật, tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch, hòa giải viên cơ sở, xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở, tuyên truyền, phổ biến, giao dục pháp luật tập trung vào các văn bản liên quan đến hôn nhân và gia đình, đất đai, lao động, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành án dân sự,… tại các xã điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân tại cơ sở, tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, nhân dân.

Đặc biệt, nhiều Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện việc đánh giá tiêu chí thành phần 18.5 về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Nhiều Cục, Chi cục Thi hành án dân sự đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đăng ký tham gia giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới; kết hợp, lồng ghép các hoạt động xây dựng nông thôn mới với việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị như xây dựng xã, địa bàn không có án tồn đọng; hiến đất, ngày công lao động xây dựng giao thông nông thôn; phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương tuyên truyền, vận động, giúp đỡ những người được thi hành án, người phải thi hành án hoặc những người được đặc xá, những người đã mãn hạn tù, là đối tượng đang phải thi hành án dân sự thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sớm hoà nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp xác định sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tổ chức thực hiện sâu rộng, toàn diện, hiệu quả các phong trào thi đua “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, chủ động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao giai đoạn 2021-2025” gắn với tổ chức thực hiện các phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2020-2025; “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tư pháp thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025; “Cán bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua thường xuyên, chuyên đề khác để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá phong trào thi đua, công tác khen thưởng gắn với kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ công tác các cơ quan, đơn vị, có trọng tâm, trọng điểm, đưa phong trào thi đua, công tác khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả và thực chất.../.

 

Phản hồi

Các tin khác