Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, cụ thể (*)

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng tại Đại hội Thi đua yêu nước cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương giai đoạn 2020 - 2025.

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

“Thưa các vị đại biểu, khách quý!

Thưa toàn thể Đại hội!


Trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch 5 năm 2016-2021, lập thành tích chào mừng Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương trang trọng tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2020 - 2025. Với những tình cảm trân trọng và tốt đẹp nhất, thay mặt Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, khách quý, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu tham dự Đại hội. Chúc các quý vị đại biểu cùng các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Thưa các vị đại biểu

Thưa Đại hội!


Đại hội tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ cán bộ làm công tác tuyên giáo tinh thần cao đẹp của thi đua yêu nước. Hơn 72 năm trước, ngày 11/6/1948, trong hoàn cảnh đất nước đối mặt với vô vàn khó khăn thử thách, thù trong giặc ngoài, Người đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, truyền đi lời hiệu triệu, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước mãnh liệt, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước mọi giới, mọi ngành, mọi tầng lớp đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, cống hiến hy sinh, đóng góp vào thành công của sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, những phong trào “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Sóng Duyên hải”, “Gió Đại phong”, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” đã được triển khai sâu rộng, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc đổi mới đất nước gần 35 năm qua, từ các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, nhiều điển hình tiên tiến với những thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, tham gia hội nhập quốc tế, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đã khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Thực hiện và làm theo lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy vai trò “đi trước, mở đường” của ngành Tuyên giáo, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Lãnh đạo Ban, Đảng uỷ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Cơ quan, Công đoàn và các tổ chức quần chúng, trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước của Ban Tuyên giáo Trung ương đã có nhiều khởi sắc, bám sát nhiệm vụ chính trị của Ban, của ngành Tuyên giáo. Nhiều phong trào thi đua được phát động, triển khai hiệu quả như: “Đổi mới nội dung, phương thức; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo”, “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Tuyên giáo Trung ương thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Mỗi đoàn viên một sáng kiến”... qua đó đã góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống quý báu của ngành Tuyên giáo, tạo động lực vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực công tác của Ban.

Thông qua triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của Ban, đã xuất hiện nhiều chiến sỹ thi đua, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến với những cách làm hay, những sáng kiến, kinh nghiệm tốt; nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã vượt khó, tận tụy, tâm huyết với công việc, chung sức xây dựng Ban Tuyên giáo Trung ương, ngành Tuyên giáo ngày càng phát triển. Trong 5 năm qua, đã có nhiều tập thể, cá nhân của Ban được Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đó là sự ghi nhận xứng đáng dành cho những nỗ lực, cố gắng của mỗi tập thể, cá nhân nói riêng cũng như của Ban Tuyên giáo Trung ương nói chung, tạo nền tảng và động lực viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành, của Ban trong giai đoạn mới, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tự hào đối với lời nhận xét, đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương nhân kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống của ngành Tuyên giáo năm 2018 “… nhìn tổng thể, có được những kết quả tích cực là do sự nỗ lực chung, trong đó, đặc biệt có Ngành Tuyên giáo, trực tiếp là các đồng chí ở Ban Tuyên giáo Trung ương”.

Đồng chí Võ Văn Thưởng trao tặng Huân chương độc lập lập hạng Ba cho đồng chí Bùi Thế Đức, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Đồng chí Võ Văn Thưởng trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho đồng chí Bùi Thế Đức, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Thay mặt lãnh đạo Ban và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban, tôi bày tỏ niềm vui mừng về những thành tích, kết quả mà chúng ta đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước của Ban ta trong 5 năm qua; biểu dương, khen ngợi và tự hào về những tấm gương cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến được khen thưởng tại Đại hội hôm nay.

Tuy nhiên, với ý thức trách nhiệm cao về vai trò của những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, chúng ta cũng cần tiếp tục phải trăn trở nhiều hơn về yêu cầu ngày càng cao, về thách thức trước mắt và lâu dài, về những mục tiêu cao đẹp mà chúng ta phải đạt trong những chặng đường sắp tới. Vì vậy chúng ta phải thực sự cầu thị để thẳng thắn nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục, như là: Phong trào thi đua chưa được tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục; một số phong trào thi đua chất lượng, hiệu quả chưa cao; việc trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến chưa được coi trọng đúng mức; việc kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua chưa thường xuyên, kịp thời… điều đó làm cho một số công việc của Ban chưa đáp ứng yêu cầu; một số cá nhân chưa nỗ lực vượt qua chính mình, chưa thật sự cầu thị, còn để cái tôi lấn át; tính động viên, lan tỏa của phong trào ở nhiều thời điểm chưa tương xứng với sự trông đợi, mong chờ.

Thưa các đồng chí!

Thưa toàn thể Đại hội!


Tuyên giáo là công tác đi trước mở đường, đòi hỏi những người làm công tác tuyên giáo, đặc biệt ở cấp trung ương phải thực sự là những chiến sỹ tiên phong. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế với nhiều thách thức, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự bùng nổ của thông tin, sự cọ xát của nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau, trước những thời cơ và thách thức của đất nước, trước những đòi hỏi ngày càng cao của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức, chúng ta đã và sẽ phải chuẩn bị hành trang gì, xác định tâm thế ra sao, hành động như thế nào để thật sự xứng đáng với vai trò tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa? Theo tôi, đây chính là một trong những vấn đề then chốt mà phong trào thi đua yêu nước của Ban trong thời gian tới cần quan tâm đặt ra; mỗi cá nhân cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Tuyên giáo Trung ương cần nghiêm túc nghĩ tới. Chúng ta cần suy ngẫm sâu sắc về những đặc thù của công việc tuyên giáo, những yêu cầu đối với ngành và người làm công tác tuyên giáo trong tình hình, điều kiện mới, để phong trào thi đua yêu nước được triển khai có tính thực tiễn, tạo môi trường đoàn kết, thống nhất, phát huy sức sáng tạo cá nhân và sức mạnh tập thể, thể hiện đúng vai trò, vị thế của ngành Tuyên giáo và Ban Tuyên giáo Trung ương, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó.

Tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục bám sát, học tập và phát huy cao độ tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chú trọng quán triệt lời dạy của Bác “Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”, “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”; cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua phát huy, nhân lên những gương người tốt việc tốt tại Ban; triển khai phong trào thi đua yêu nước trên tinh thần gắn kết giữa xây và chống, lấy xây là chính, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, thật sự cầu thị, học tập không ngừng, đổi mới không ngừng, sáng tạo không ngừng, kiên quyết đẩy lùi trì trệ, bảo thủ. Tinh thần đi trước mở đường, bản lĩnh và sáng tạo, sâu sắc và gần gũi, sắc bén và thuyết phục, chất lượng và hiệu quả phải trở thành tư tưởng dẫn đường, phương châm hành động của phong trào thi đua yêu nước, thấm đẫm trong ý thức và hành động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ban Tuyên giáo Trung ương. Thực chất phong trào thi đua dù dưới hình thức nào cũng hướng đến thực hiện thật tốt công tác tham mưu, hướng dẫn, thẩm định, tổ chức, thực hiện. Trong viết, trong nói, trong tổ chức thực hiện công việc ở một số lĩnh vực, Ban Tuyên giáo Trung ương, cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương phải thật là chuẩn mực.

Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng tại Đại hội.

Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng tại Đại hội.

Trên cơ sở đó, tôi có mấy gợi mở như sau:

Một là, tôi đề nghị các đồng chí bám sát nhiệm vụ chính trị của Ban, cần quan tâm đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua; tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, cụ thể, bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công việc hàng ngày của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là hướng công tác thi đua - khen thưởng vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, tập trung giải quyết những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, nhiệm vụ đột xuất của Ban với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao hơn.

Hai là, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua để đi vào chiều sâu trở thành sinh hoạt định kỳ; cá nhân, tập thể tốt phải được động viên khen thưởng, không tốt phải nhắc nhở, phê bình hoặc xử lý kỷ luật. Công tác khen thưởng phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng, lấy kết quả thi đua, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo để đánh giá và phân công cán bộ.

Ba là, cần tạo ra môi trường thi đua lành mạnh, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực tham gia một cách tự nguyện, tự giác; tạo nên khí thế thi đua lao động, nghiên cứu, học tập sôi nổi trong toàn Cơ quan. Bên cạnh đó cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và phát huy vai trò của các đoàn thể trong việc vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên tham gia phong trào thi đua yêu nước.

Thưa các đồng chí!

Những nhiệm vụ và giải pháp trên có đi vào thực tiễn và đạt được chất lượng, hiệu quả hay không phụ thuộc vào sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban Tuyên giáo Trung ương. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phát huy những giá trị và bài học kinh nghiệm sâu sắc, tôi tin tưởng rằng phong trào thi đua yêu nước của Ban chúng ta trong thời gian tới sẽ ngày càng phát triển, thực sự tạo nên động lực mới, khí thế mới góp phần giúp Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục gặt hái được những thành công, khẳng định được vị thế và uy tín trong hệ thống chính trị, trong xã hội, trong niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng, của nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!”

 

 (*) Đầu đề của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phản hồi

Các tin khác