|
Vĩnh Phúc phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng từ 8,5-9% trong năm 2021. (Ảnh minh họa: BT)
|
Một số điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2020
Năm 2020, Vĩnh Phúc chịu tác động từ đại dịch COVID-19, ảnh hưởng lên nền kinh tế của tỉnh, trực tiếp lên các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn lại năm 2020, kinh tế Vĩnh Phúc vẫn đạt được một số kết quả nổi bật.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 79,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,21% so với năm 2019. Trong đó, ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,88% so với năm 2019. Ngành công nghiệp xây dựng tăng 3,92%, các ngành dịch vụ tăng 0,32% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 0,5% so với năm 2019.
Năm 2020, ghi nhận quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh ước đạt 122,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,68 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 3,1% so với năm 2019. Đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 104,7 triệu đồng/người. Đồng thời, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 43.751 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019 và bằng 35,7% GRDP.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 xảy ra với quy mô toàn cầu, song các hoạt động kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư tiếp tục được tỉnh quan tâm. Trong năm 2020, kết quả thu hút vốn đầu tư của tỉnh vẫn vượt kế hoạch đề ra, trong đó, vốn FDI ước đạt 666,16 triệu USD, vượt 21,12% so với kế hoạch với 31 dự án cấp mới và 44 dự án tăng vốn. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp thành lập mới dự kiến tăng nhẹ với năm 2019 với 1.170 doanh nghiệp.
Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2020, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thời tiết diễn biến bất thường, công tác tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi gặp nhiều khó khăn, giá một số loại sản phẩm nông sản còn thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định… Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã tích cực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn thực hiện đồng bộ tất cả các hoạt động sản xuất. Do đó, nhìn chung, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định và có tăng trưởng ở mức khá. Ước giá trị sản xuất toàn ngành đạt 10.394 tỷ đồng, tăng 2,86% so với năm 2019.
Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP cho 18 sản phẩm.
Phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng từ 8,5-9%
Bước sang năm 2021, dự báo các tác động từ đại dịch COVID-19, căng thẳng trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn là nguy cơ tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Thiên tai, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn khó lường. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tuy mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho Vĩnh Phúc.
Bên cạnh những khó khăn trên, dự báo năm 2021, Vĩnh Phúc cũng có những thuận lợi căn bản như: sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đi cùng với đó là sự sáng tạo, quyết liệt tìm ra các giải pháp căn cơ để giải quyết từng vấn đề cụ thể.
Trên cơ sở đó, năm 2021, Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, đồng thời, khai thác, quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế. Tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và bảo đảm các chế độ an sinh xã hội.
Cụ thể, Vĩnh Phúc phấn đấu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng từ 8,5-9%. Trong đó, ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,5%; ngành công nghiệp xây dựng tăng 11,1%; các ngành dịch vụ tăng 8,5%... Đồng thời, huy động vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 30-35% GRDP theo giá hiện hành. Phấn đấu thu hút vốn FDI đạt 400 triệu USD và 5.500 tỷ đồng vốn DDI.
Theo đó, năm 2021, Vĩnh Phúc sẽ tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ XVII, nhất là các giải pháp mang tính đột phá và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và Nhà nước. Chủ động cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 làm tiền đề để hoàn thành kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, vận hành hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các sở, ngành và địa phương và kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia. Đồng thời, tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho doanh nghiệp, nhất là những dịch vụ có số lượng hồ sơ phát sinh lớn.
Ngoài ra, xây dựng và ban hành chiến lược thu hút vốn đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, chính sách hỗ trợ giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh cho nhà đầu tư vào tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư có trọng điểm, trọng tâm, tập trung vào các đối tượng tiềm năng, trong đó, chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các dự án đã đầu tư hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, địa phương sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường. Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2021, phấn đấu 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5-7 thôn đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự, xã hội./.
BT