(ĐHXIII) – Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 42 (diễn ra vào ngày 7,8/7), các đại biểu cơ bản đồng tình với các văn kiện mà Ban Thường vụ đã trình Ban Chấp hành tại Hội nghị lần này.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị đã tập trung thảo luận sâu về tình hình kinh tế - xã hội, làm rõ vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội của TP đối với cả nước; những kết quả TP đã đóng góp được và những mặt hạn chế cũng như giải pháp làm sao để kinh tế của TP tiếp tục tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ, trong hơn 20 năm qua, quy mô kinh tế của TP so với cả nước không ngừng tăng lên. Nếu như giai đoạn 1996 - 2000, kinh tế TP chiếm 17% kinh tế cả nước; giai đoạn 2001 - 2010 là 20% thì giai đoạn 2011 - 2019 là hơn 22%.
Với tăng trưởng kinh tế như vậy, cường độ kinh tế của TP/km2 so với cả nước không ngừng tăng lên. Giai đoạn 1996 - 2000, trên 1 km2 TP đã tạo ra giá trị gia tăng gấp 27 lần so với bình quân cả nước; giai đoạn 2001 - 2010 con số này là 31 lần và giai đoạn 2011 - 2019 đã gấp 35 lần.
Cơ sở để đảm bảo những nội dung trên, theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân là do năng suất lao động của TP luôn cao hơn cả nước, bình quân khoảng từ 2,7 - 2,9 lần.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng phân tích vị trí đầu tàu kinh tế không chỉ nằm ở những con số tăng trưởng mà còn ở sự đóng góp của TP vào ngân sách Nhà nước. Giai đoạn 2011 - 2010, bình quân TP đóng góp 26,5% vào ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2011 - 2019 đóng góp 27,5% tổng ngân sách cả nước. “Như vậy, tỷ trọng đóng góp tiếp tục tăng lên. Đây là yếu tố khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế của TP tiếp tục giữ vững”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào TP so với cả nước cũng không ngừng tăng lên.
Tuy nhiên, đồng chí cũng đặt ra một vấn đề cần trao đổi và làm rõ khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP so với cả nước có xu hướng giảm. Cụ thể, giai đoạn 2001 - 2019, tốc độ tăng trưởng TP bằng 1,6 lần tốc độ tăng trưởng cả nước; giai đoạn 2011 - 2019 còn 1,2 lần.
Đối với 7 chương trình đột phá của TP, bên cạnh những kết quả đạt được cũng có những mặt hạn chế. Điều đó đòi hỏi cần phải phân tích, làm rõ để rút ra bài học cụ thể, để khi thiết kế giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm khắc phục được các hạn chế này.
Toàn cảnh Hội nghị
Bên cạnh đó, theo Bí thư Thành ủy, hiện nay, TP đang có một số hạn chế, kìm hãm sự phát triển. Cụ thể là việc bố trí cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, không phù hợp phát triển của TP hiện nay. Việc hợp tác vùng chậm, còn ít, chưa thật sự phát huy hiệu quả; liên kết doanh nghiệp, nhà khoa học và chính quyền hiệu quả chưa cao; tỉ lệ ngân sách để lại TP thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển TP; hạ tầng của TP, đặc biệt hạ tầng giao thông chậm, không tương thích đang trở thành điểm nghẽn lớn nhất cho sự phát triển của TP hiện nay. Bí thư Thành ủy chỉ ra một số công trình như Vành đai 2 chưa kết nối, vành đai 3 còn nằm trên giấy, có quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm thì mới đang làm được một tuyến…
Đề cập tình hình kinh tế - xã hội TP trong 6 tháng đầu năm 2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nổi bật trong thời gian qua, TP đã chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và đã đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, các quận, huyện trên địa bàn đã triển khai tốt đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Các quận huyện cũng đã đẩy mạnh đầu tư công. Theo báo cáo xét về giá trị xây dựng đạt khoảng 43% gấp 3 lần cùng kỳ. Trong bối cảnh có dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy đánh giá đây là kết quả rất đáng trân trọng.
Trong thời gian tới, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới. Người dân nhập cảnh, du khách quốc tế cần được chuẩn bị phương án cách ly lập tức, không được chủ quan, lơ là.
TP triển khai quyết liệt nội dung đã đăng ký thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 19 của Thành ủy TP về thực hiện cuộc vận động "Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước" và Chỉ thị 23 của Thành ủy TP về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Chính quyền TP cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ 100% doanh nghiệp phải dừng sản xuất, chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong tháng 9. Đẩy mạnh các hoạt động của năm văn hóa, tiếp tục tổ chức đối thoại; tăng tốc các công trình đầu tư công; chuẩn bị Đại hội Đảng bộ TP, đồng thời đảm bảo quốc phòng an ninh, an toàn trật tự trên địa bàn./.
Tin, ảnh: V.Lê