Phát triển kinh tế tri thức
|
Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG-HCM Vũ Hải Quân tham luận tại Đại hội
|
Với chủ đề “Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phát triển kinh tế tri thức”, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG-HCM Vũ Hải Quân cho biết: Mục tiêu phát triển định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, được trình bày trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: Không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Đồng chí Vũ Hải Quân nhấn mạnh, trong bốn chương trình phát triển thành phố giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 thì cả bốn chương trình này đều gắn với bốn trụ cột của nền kinh tế tri thức. Như vậy, phát triển kinh tế tri thức là một mục tiêu của TP trong giai đoạn 2020 - 2025. TP Hồ Chí Minh định hướng phát triển nền kinh tế tri thức, nhất là kinh tế tri thức số và việc tham gia phát triển kinh tế tri thức ở tTP là nhiệm vụ, là trách nhiệm của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Đồng chí Vũ Hải Quân cho biết, hiện nay, ĐHQG - HCM có gần 3.800 cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học (hơn 1.000 tiến sĩ bao gồm 330 giáo sư, phó giáo sư; trên 2.400 thạc sĩ; đào tạo gần 72.000 sinh viên hệ đại học chính quy; hơn 7.100 học viên sau đại học thuộc các lĩnh vực).
Với vai trò là một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, ĐHQG-HCM đã xác định trách nhiệm đối với sự phát triển của TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là những đóng góp về nguồn nhân lực, về khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn và phản biện chính sách. ĐHQG -HCM sẽ chủ động tích cực tham gia các đề án trong chương trình đột phá phát triển nhân lực, bằng các chương trình đào tạo trình độ quốc tế ở các lĩnh vực được giao như công nghệ thông tin – truyền thông, cơ khí – tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản lý đô thị. Các chương trình đào tạo này sẽ được thiết kế và xây dựng theo các chuẩn mực kiểm định quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố trong việc phát triển kinh tế tri thức.
Đồng thời, thành lập và vận hành mô hình đại học chia sẻ, tạo ra nền tảng để các trường đại học trên địa bàn thành phố chia sẻ tài nguyên: tài liệu sách, giáo trình, hệ thống bài giảng… ĐHQG - HCM cũng tạo các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông, y tế, tài chính… Cùng với đào tạo, ĐHQG- HCM sẽ chủ động nghiên cứu chuyển giao và đổi mới sáng tạo. Điểm nhấn trong chương trình này là ĐHQG- HCM sẽ trở thành một hạt nhân trong Khu đô thị sáng tạo tương tương tác cao phía Đông.
Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và khuyến khích đại học chia sẻ
|
Đồng chí Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục&Đào tạo TP Hồ Chí Minh tham luận tại Đại hội
|
Đại biểu Lê Hồng Sơn Giám đốc Sở Giáo dục&Đào tạo TP nhấn mạnh: TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn, trung tâm về nhiều mặt của cả nước và khu vực, nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nhân lực chính là điểm tựa và khoa học - công nghệ là đòn bẩy cho sự tăng trưởng nhanh, bền vững của TP. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP và cả nước, giáo dục TP phải không ngừng đổi mới, phát triển mạnh mẽ, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến của thế giới.
Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã xác định Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 7 chương trình đột phá. Đại hội lần này tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa với việc chỉ đạo xây dựng, triển khai Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, tập trung vào 8 ngành trọng điểm, gắn chặt với nhu cầu phát triển trong thời gian tới, kết hợp với việc xây dựng mô hình “Đại học chia sẻ”, trong khoảng thời gian dài, mang tính chiến lược, giai đoạn 2020 - 2035.
Hiện nay, để nâng cao năng lực cạnh tranh của người học trên thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, hệ thống giáo dục của TP Hồ Chí Minh từ cấp mầm non cho đến các cấp cao đẳng, đại học và sau đại học đều nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế đến học tập.
Đặc biệt, tại cấp đại học, nhiều sản phẩm từ công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ được đưa vào đời sống xã hội. Nhiều ngành đào tạo được kiểm định theo chuẩn quốc tế đã thật sự góp phần nâng cao vị thế và uy tín của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP
Từ quy mô và thực tế của ngành giáo dục TP như trên, TP đã đề xuất một số nhóm giải pháp xây dựng nguồn nhân lực trình độ quốc tế từ giáo dục phổ thông. Thực hiện xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh phát triển giáo dục đại học; là những giải pháp của các cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ các trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế. Việc thu thập thông tin, phân tích dữ liệu và dự báo một cách khoa học, chính xác sẽ giúp các trường điều chỉnh trong chiến lược, chương trình đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực.
Cùng với đó là triển khai Đề án “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ”. Đề án đưa ra quan điểm, mục tiêu rất rõ ràng với 10 tiêu chí để nhận diện nhân lực trình độ quốc tế, 3 mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể và 9 giải pháp có tính toàn diện. “Đó là cơ sở để các trường đại học được phân công xây dựng 9 Đề án thành phần nhằm đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế của 8 ngành trọng điểm: Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị và Đề án Đại học chia sẻ”. – đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh./.
Nhóm PV