Công tác PCTN đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt
Theo báo cáo một số nội dung về tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020, 8 năm qua, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Ủy ban Kiểm tra đã tập trung làm rõ, kết luận nhiều vi phạm nghiêm trọng, quyết định kỷ luật, đề nghị cơ quan có thẩm quyền kỷ luật nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, đơn vị.
|
Đồng chí Võ Văn Dũng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ vụ việc, vụ án, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã đề ra cơ chế phối hợp 5 cấp độ.
|
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tạo bước đột phá trong công tác PCTN. Nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước và các vụ án được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh, với các mức án nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.
Một số khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong PCTN đã được tập trung tháo gỡ kịp thời và có chuyển biến tích cực; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; khắc phục tư tưởng “hạ cánh an toàn” trong xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm; truy bắt, xử lý các đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.
Việc ban hành và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ngày càng đồng bộ, nhất là kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý được đẩy mạnh; chú trọng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, cải cách chính sách tiền lương, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…
Công tác thông tin tuyên truyền về PCTN có nhiều đổi mới, vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong PCTN được khẳng định và phát huy.
Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong PCTN ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực. Chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng PCTN.
Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương chia sẻ thêm những kết quả cụ thể của công tác PCTN: từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã đưa hơn 800 vụ án vụ, việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Trong đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc. Các cơ cơ quan điều tra kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo; phúc thẩm 61 vụ án, 581 bị cáo.
5 cấp độ trong giải quyết các vụ việc, vụ án phức tạp
Khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta, đồng chí Võ Văn Dũng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ vụ việc, vụ án, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã đề ra cơ chế phối hợp 5 cấp độ.
|
Bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng.
(Ảnh: nhandan.com.v)
|
Cụ thể, nếu vụ việc đang được cơ quan điều tra xử lý mà có vướng mắc, thì tổ chức cuộc họp liên ngành để trao đổi, tháo gỡ khó khăn. Nếu vụ việc đang trong giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát chủ trì, trong giai đoạn xét xử thì Tòa án chủ trì. Trong trường hợp các cơ quan chưa thống nhất ý kiến thì Ban Nội chính Trung ương sẽ chủ trì họp để xem xét, tháo gỡ.
Ở cấp độ 2, những vụ việc khó, không tháo gỡ được thì Thường trực Ban Bí thư sẽ đứng lên chủ trì cuộc họp liên ngành để bàn và xem xét giải quyết.
Vụ việc được giải quyết ở cấp độ 3 thì do tập thể thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN xem xét, gồm có Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư… Ở cấp độ 4 là tập thể Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN để xem xét. Và cuối cùng, ở cấp độ 5 là do Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, quyết định. “Với cơ chế đó nên tất cả các vụ việc, vụ án phức tạp đều được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giải quyết”, đồng chí Võ Văn Dũng cho biết.
Đồng chí Võ Văn Dũng cũng nhấn mạnh: “Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN không chỉ đạo tội danh cụ thể mà đặt ra yêu cầu đảm bảo xử lý và đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ qua. Vụ việc phải được xử lý đúng pháp luật, đúng thời gian. Làm sao để vừa đảm bảo tính răn đe, vừa làm gương”./.